Một thiên thạch mang tên Bennu bay ngang qua quỹ đạo trái đất 6 năm một lần và ngày càng di chuyển gần địa cầu hơn từ khi được phát hiện năm 1999.
Bom nổ chậm
Trong gần 200 năm nữa, tức giai đoạn 2175-2196, xác suất để Bennu, bay với tốc độ bình quân 101.000 km/giờ, va chạm với trái đất là 1/2.700. Nếu Bennu đâm trúng trái đất, hậu quả sẽ rất thảm khốc khi tạo ra một cái hố rộng gần 5 km, sâu hơn 457 m và gây ra trận động đất mạnh 6,7 độ Richter. Những khu vực cách nơi Bennu rơi 5 km có thể bị chôn vùi dưới đất, đá. Thế nhưng, thiệt hại thật sự đến từ vụ nổ trong không khí là do thiên thạch gây ra khi tiến vào bầu khí quyển, làm các tòa nhà sụp đổ, cây cối ngã rạp trong vòng bán kính 50 km.
May mắn, theo đài NBC, những thiên thạch kích thước cỡ Bennu (đường kính 500 m) hiếm khi có quỹ đạo cắt ngang quỹ đạo trái đất. Dẫu vậy, thiên thạch nhỏ lại thường xuyên bay ngang quỹ đạo trái đất. Chúng tiến vào khí quyển như sao băng, phát nổ giữa không trung hoặc rơi xuống mặt đất, biển. Trước mối đe dọa của thiên thạch đến sự tồn vong loài người, Nhà Trắng đã đề ra 7 mục tiêu nhằm đối phó với vật thể gần trái đất, như cải thiện công nghệ phát hiện và làm chệch đường đi của thiên thạch, thúc đẩy sự hợp tác trong và ngoài nước… để xử lý hiểm họa khôn lường này.
Trong một nỗ lực như thế, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm ngoái đã lập Văn phòng Điều phối Phòng vệ Hành tinh để tập trung phát hiện, theo dõi thiên thạch và ngăn chặn nó gây hại cho trái đất. Đến tháng 9 cùng năm, NASA cho phóng tàu thăm dò OSRIS-REx lên Bennu. OSRIS-REx sẽ đáp xuống bề mặt thiên thạch để lấy mẫu vật, gửi về trái đất để các nhà khoa học có thể biết mọi thứ về Bennu như kích cỡ, khối lượng và cấu tạo…, từ đó hy vọng tìm ra cách bảo vệ trái đất trước mối đe dọa tiềm tàng này. Sứ mệnh của OSIRIS-REx sẽ đặt nền tảng cho hoạt động thám hiểm các thiên thạch và vật thể kích thước nhỏ của hệ mặt trời trong tương lai.
Tăng cường nghiên cứu
Một mục tiêu khác của OSIRIS-REx là đo lường “hiệu ứng Yarkovsky” - hiện tượng thiên thạch hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời và tống ra dưới dạng nhiệt như một động cơ đẩy, tác động lên đường bay của thiên thạch. Trang tin Sina cho rằng hiểu thêm về hiệu ứng này có thể giúp các nhà khoa học dự đoán chính xác hơn mối đe dọa từ các thiên thạch và chuyển hướng các thiên thạch có nguy cơ đâm vào trái đất.
Đến đầu tháng 1-2017, NASA tiếp tục công bố 2 sứ mệnh nghiên cứu thiên thạch trong vài năm tới. Cụ thể, tàu thăm dò Lucy sẽ bay đến sao Mộc để nghiên cứu các thiên thạch Trojan của nó. Thiên thạch Psyche cũng là mục tiêu nghiên cứu của một sứ mệnh khác. Ông Daniel Scheeres, một nhà thiên văn học tại Trường ĐH Colorado (Mỹ) có tham gia dự án, hy vọng sau khi sứ mệnh hoàn tất, họ có thể biết thêm những kịch bản va chạm tiềm tàng cũng như dự đoán chính xác hơn về hiệu ứng Yarkovsky của mọi thiên thạch khác.
Trong khi đó, một sứ mệnh của Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) gần đây đã mang về trái đất những gì thu thập được từ một thiên thạch. JAXA dự định tiến hành sứ mệnh tương tự trong tương lai gần. Tổ chức B612 phi lợi nhuận (trụ sở ở bang California - Mỹ) đang tìm kiếm nguồn tài trợ 450 triệu USD để phóng kính viễn vọng lên không gian tìm kiếm thiên thạch.
Dù vậy, mọi nỗ lực tìm kiếm thiên thạch sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ nó va chạm với trái đất. Vấn đề là hiện không có nhiều giải giáp khả dĩ để lựa chọn: Chúng ta có thể ngăn thiên thạch đi vào quỹ đạo trái đất hoặc phá hủy nó ngay trước lúc có thể gây thiệt hại cho hành tinh mình.
Phát hiện thiên thạch mới mỗi ngày
Chúng ta hiện biết được khoảng 723.367 thiên thạch trong hệ mặt trời và nhà thiên văn học từ các trường đại học, các đài thiên văn trên toàn thế giới phát hiện thêm thiên thạch mới gần như mỗi ngày. Dựa trên kết quả phân tích, các nhà khoa học nghĩ rằng họ đã tìm thấy hơn 90% thiên thạch có bề rộng từ 800 m trở lên. Chỉ cần xảy ra va chạm giữa một thiên thạch này với trái đất cũng sẽ gây ra những sự tuyệt chủng trên toàn cầu.
Bình luận (0)