Khắp thế giới ở đâu người ta cũng phàn nàn về việc đồng USD tăng giá đang khiến đồng tiền các nước khác mất giá, từ đó góp phần vào tình trạng giá hàng hóa và dịch vụ leo thang. Nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại đồng USD tăng giá mạnh làm tăng nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm tới.
Theo AP, đồng USD đã tăng giá 18% kể từ đầu năm đến nay và đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua vào tháng rồi. Lý do của sự gia tăng này không có gì khó hiểu. Để đối phó lạm phát leo thang ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất cơ bản 5 lần trong năm nay, đồng thời phát tín hiệu sẽ tiếp tục có động thái như thế. Điều này khiến lãi suất một loạt trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ Mỹ gia tăng, từ đó thu hút nhà đầu tư và đẩy giá đồng USD.
Hầu hết đồng tiền các nước trở nên suy yếu so với đồng USD. Chẳng hạn, đồng rupee của Ấn Độ giảm gần 10% so với đồng USD, trong khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm đến 28% tính từ đầu năm đến giờ. Ngay cả những nước giàu hơn cũng chịu tác động. Tại châu Âu, trong 20 năm nay, lần đầu tiên đồng euro rẻ hơn đồng USD.
Thường thì các nước có thể hưởng một số lợi ích từ nội tệ suy yếu bởi khi đó, sản phẩm của họ trở nên rẻ hơn và cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, vào thời điểm này, lợi ích ấy là không đáng kể do chịu tác động từ tình hình kinh tế toàn cầu kém khởi sắc.
Thay vào đó, đồng USD tăng giá đang gieo rắc nỗi lo cho thế giới. Chẳng hạn, những công ty, người tiêu dùng, chính phủ nào trả nợ bằng USD gặp thêm sức ép do nội tệ đổi được ít USD hơn trước.
Ngân hàng trung ương các nước cũng buộc phải tăng lãi suất trong nỗ lực củng cố đồng nội tệ và ngăn dòng tiền chảy ra nước ngoài. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn cũng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và gia tăng thất nghiệp.
Một nhà kho chứa gạo ở TP Saint-Louis - Senegal Ảnh: Bloomberg
Trang Bloomberg chỉ ra thực trạng nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực đang phải vật lộn trước tình hình lãi suất cao, giá USD tăng vọt và giá hàng hóa tăng. Điều này khiến việc thanh toán hàng hóa thường được định giá bằng đồng USD tại những nước này trở nên khó khăn hơn.
Tại Ghana, các nhà nhập khẩu cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lương thực trước Giáng sinh. Gần đây, hàng ngàn container chở thực phẩm chất đống tại các cảng ở Pakistan. Còn tại Ai Cập, nhiều lò bánh mì tư nhân phải tăng giá bán sau khi một số nhà máy hết lúa mì do nguyên liệu này mắc kẹt ở hải quan.
Đồng USD tăng giá trong năm 2022 đặc biệt gây lo ngại bởi nó làm gia tăng sức ép lạm phát toàn cầu vào thời điểm giá cả đã ở mức cao. Đại dịch COVID-19, cộng với xung đột Nga - Ukraine, gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung đối với thị trường năng lượng và nông nghiệp.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa mới nghiêm trọng không kém tình trạng khẩn cấp lương thực vào năm 2007-2008. Bi quan hơn, chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc nhận định toàn cầu đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Tóm lại, như chuyên gia Ariane Curtis của Công ty Capital Economics (Anh) nhận định, đồng USD tăng giá là tin xấu đối với kinh tế toàn cầu và là một trong những lý do khiến kinh tế thế giới được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.
Mỹ khó tránh suy thoái?
Theo mô hình dự báo mới của Bloomberg hôm 17-10, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Trong khi đó, một cuộc khảo sát mới của Bloomberg với 42 nhà kinh tế cũng cho thấy có 60% khả năng nền kinh tế hàng đầu thế giới này suy thoái trong 12 tháng tới, tăng so với mức 50% trong cuộc khảo sát trước đó 1 tháng.
Theo giới chuyên gia, các điều kiện tài chính thắt chặt, lạm phát dai dẳng và kỳ vọng về việc FED tiếp tục tăng lãi suất đang làm gia tăng nguy cơ kinh tế nước này suy thoái.
Thông tin trên đã giáng đòn mạnh vào thông điệp kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2022. Ông chủ Nhà Trắng nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tránh được suy thoái, cũng như tìm cách trấn an người dân rằng kinh tế đất nước vẫn vững chắc dưới thời ông.
Giờ đây, các dự báo mới nhất tương phản rõ rệt với những lời lạc quan của ông Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ đã dựa vào sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ khi ông vận động tranh cử để giúp Đảng Dân chủ duy trì thế đa số tại Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, lạm phát đang ở gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ là rào cản đối với Đảng Dân chủ, nhất là khi các cuộc thăm dò cho thấy kinh tế là vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri.
Xuân Mai
Bình luận (0)