Cuộc tấn công xảy ra theo kịch bản không ai ngờ: Một chiến hạm đồ sộ của Mỹ trở thành mục tiêu trong thời bình bởi một tổ chức cực đoan hôm 12-10-2000. 17 thủy thủ thiệt mạng và 39 người bị thương.
Trưa 12-10-2000, hai kẻ đánh bom liều chết lao thẳng chiếc tàu nhỏ mang theo thuốc nổ vào chiến hạm USS Cole đang tiếp nhiên liệu ở cảng Aden của Yemen. Vụ nổ làm mạn trái tàu thủng lỗ lớn. Người ta ước tính những kẻ khủng bố sử dụng từ 200-300 kg thuốc nổ.
Mạn trái tàu USS Cole thủng lỗ lớn sau vụ tấn công nhưng tàu không bị hư hại nặng. Ảnh: Hải quân Mỹ
Cuộc tấn công này cùng những hệ quả kéo theo đã khiến Hải quân Mỹ đưa ra nhiều thay đổi quan trọng trong cách hoạt động và bảo vệ lực lượng.
Không những vậy, theo Navy Times, cuộc tấn công còn báo hiệu những thách thức lớn hơn liên quan đến khủng bố, chủ nghĩa cực đoan mà Washington phải đối mặt trong thế kỷ XXI. Ở nhiều góc độ, vụ tấn công tàu USS Cole báo trước tương lai chính xác hơn so với vụ khủng bố 11-9 xảy ra sau đó 1 năm.
Trong quãng thời gian ngắn giữa 2 vụ tấn công, Mỹ đã học được bài học đau đớn về hậu quả của sự thất bại trong việc phản ứng nhanh chóng. Thất bại trong việc làm gián đoạn các chiến dịch của Al-Qaeda hồi năm 2000, cùng những hậu quả bi thảm theo sau, cho thấy sự rối loạn trong bộ máy và các chính sách đối ngoại đôi khi có thể khiến Mỹ chịu tổn thương.
Chẳng hạn như Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) đã thu thập thông tin tình báo về Khalid al-Mihdhar và những thành viên khác của Al-Qaeda đứng sau vụ tấn công tàu USS Cole. Tuy nhiên, CIA không chuyển thông tin này cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Tên Khalid al-Mihdhar sau đó đã tham gia lên kế hoạch tiến hành vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.
Vụ tấn công nhằm vào tàu khu trục tên lửa hành trình USS Cole khiến 17 thủy thủ thiệt mạng. Ảnh: AP
FBI có thể đã phối hợp thông tin của CIA với những thông tin mà họ thu thập được về các chiến dịch của Al-Qaida đang diễn ra ở Mỹ vào thời điểm đó. Không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng việc trao đổi thông tin đã có thể ngăn được vụ 11-9 song người ta chỉ biết về những kết nối bị bỏ lỡ này khi đã quá muộn.
Cũng có nghi vấn cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) đã xử lý nguồn tin tình báo về việc một vụ tấn công đang được lên kế hoạch ở Yemen nhưng dường như không truyền tải nhiều thông tin cho ông Kirk Lippold, chỉ huy tàu USS Cole.
Mặc dù quá trình tái tổ chức và thay đổi quy trình được thực hiện tại DoD sau sự vụ tấn công 11-9 đã giải quyết được nhiều thách thức, những vấn đề liên quan đến liên lạc vẫn xuất hiện nhiều năm sau đó. Chẳng hạn như vụ tấn công khủng bố bất thành nhằm vào chuyến bay 253 của hãng Northwest Airlines hồi 2009 đã cho thấy những sự cố trong khâu liên lạc và thủ tục.
Người nhà vẫy chào máy bay C141 chở những thủy thủ bị thương trở về. Ảnh chụp tại Căn cứ Hải quân Norforlk, bang Virginia, hồi 2000. Ảnh: The Virginian Pilot
Phần lớn các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ diễn ra theo kịch bản giống với vụ USS Cole hơn vụ 11-9. Hậu quả là quân nhân Mỹ và gia đình gánh phần lớn tổn thất. Hơn 7.000 binh sĩ thiệt mạng và hơn 50.000 binh sĩ bị thương trong cuộc chiến chống khủng bố.
Sau vụ đánh bom chiến hạm USS Cole, Lầu Năm Góc cho phép các tàu khu trục bắn vào các thuyền nhỏ cố ý tiếp cận khi không được phép. Tuy nhiên, không chiến dịch phòng ngừa từ xa nào được phát động cho tới sau vụ khủng bố 11-9. Nhiều người cho rằng nếu chính phủ Mỹ mạnh tay sau vụ USS Cole, Mỹ có thể tránh được sự cố thảm khốc sau đó.
Dù sao thì vụ tấn công USS Cole đã mang đến nhiều thay đổi tích cực. Quân đội Mỹ nói chung và Hải quân Mỹ nói riêng đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng và hiệu quả trong việc bảo vệ quân nhân. Hơn nữa, những tiết lộ về sự liên quan giữa 2 vụ tấn công USS Cole và sự kiện 11-9 đã dẫn đến nhiều thay đổi "mang tính cách mạng" trong chính phủ Mỹ, giúp cải thiện khả năng chống khủng bố của quốc gia này kể cả khi chúng gây tranh cãi.
Ảnh chụp tại lễ tưởng niệm 17 thủy thủ thiệt mạng trong vụ tấn công USS Cole hôm 12-10-2020. Ảnh: Daily Press
Bình luận (0)