Trong 45 cái tên vừa được bổ nhiệm vào Viện Quý tộc, có tới 26 nhân vật từ Đảng Bảo thủ của ông Cameron, còn lại là người của Công Đảng và Đảng Dân chủ Tự do.
Một trong những cái tên đầu tiên khiến dư luận “dậy sóng” là cựu bộ trưởng Nội các Douglas Hogg. Chính trị gia tai tiếng này đã rời Hạ viện năm 2010 sau những lùm xùm về chuyện chi tiêu, trong đó có việc “ngốn” 2.200 bảng Anh tiền thuế của dân để dọn hàng rào tại ngôi nhà theo phong cách thế kỷ XIII của mình.
Một cái tên khác không kém phần nổi cộm là đại gia ngân hàng James Lupton. Ông này là nhà tài trợ số 1 cho Đảng Bảo thủ với 2,8 triệu bảng Anh nhưng lại có vai trò gây tranh cãi trong quỹ Kids Company đầy tai tiếng mới phải đóng cửa gần đây. Bên cạnh đó, bà chủ công ty nội y Ultimo đình đám Michelle Mone cũng “chễm chệ” ngồi vào ghế Thượng viện bất chấp những chỉ trích thiếu kinh nghiệm chính trường.
Một số nhân vật gần gũi và trung thành khác với ông Cameron cũng có tên trong danh sách bổ nhiệm, như bà Kate Fall, Phó chánh Văn phòng Thủ tướng đồng thời là bạn thời đại học hoặc cựu cố vấn James O’Shaughnessy, cựu ngoại trưởng William Hague...
Đặc biệt, ông Barry Norton - cựu “kiến trúc sư” chiến dịch tranh cử của ông Cameron được phong tước hiệp sĩ trong khi Rupert Harrison - cựu chánh văn phòng của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, được phong tước hiệu danh giá Sĩ quan đế chế Anh (CBE)...
Theo nhà báo Anh Quentin Letts, trong số 45 cái tên nói trên, chỉ có 5 nhân vật xứng đáng. Sự bổ nhiệm này cũng khiến số thành viên Viện Quý tộc tăng lên con số kỷ lục 826 người, vượt xa 650 thành viên của hạ viện.
“Trong khi các gia đình phải vật lộn với câu chuyện thắt chặt chi tiêu, người ta lại thấy Đảng Bảo thủ đặt tình thân lên trước đất nước. Các thành viên mới được tiến cử sẽ tiêu tốn thêm ít nhất 1,2 triệu bảng tiền thuế mỗi năm của dân chúng” - bà Katie Ghose, một chuyên gia về cải cách bầu cử, phàn nàn.
Bình luận (0)