Tuyên bố trên được đưa ra theo sau hội nghị trực tuyến thảo luận Covid-19 trước đó cùng ngày giữa Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề đối ngoại Mỹ, ông Brent McIntosh và những người đồng cấp từ Canada, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh.
Tuần trước, các bộ trưởng tài chính G7 và các ngân hàng trung ương cũng đã tiến hành hội nghị trực tuyến mà trong đó, họ cam kết sử dụng "mọi công cụ chính sách phù hợp" để ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do Covid-19 gây ra, cũng như để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới.
Quảng trường Thời đại ở TP New York – Mỹ vắng vẻ dù đang trong giờ cao điểm hôm 12-3 vì lo ngại Covid-19 Ảnh: REUTERS
Tại Mỹ, theo báo The New York Times, Quốc hội và Hạ viện đã tiến gần đến một gói cứu trợ kinh tế để giảm thiểu tác động của Covid-19. Theo sau các cuộc thảo luận căng thẳng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin - người dẫn đầu phái đoàn đàm phán đại diện Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - hôm 12-3 thông báo "chúng tôi đã giải quyết phần lớn bất đồng".
Gói cứu trợ kinh tế nêu trên, theo bức thư được bà Pelosi gửi các nhà lập pháp, sẽ bao gồm tăng cường trợ cấp thất nghiệp, xét nghiệm virus miễn phí, viện trợ cho các chương trình hỗ trợ thực phẩm và quỹ liên bang cho trợ cấp y tế. Gói cứu trợ này còn bảo đảm 14 ngày lương cho các lao động nghỉ ốm, cũng như các ưu đãi thuế để doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, thực hiện được quy định nêu trên.
Chủ tịch Pelosi còn khẳng định trong thư rằng Hạ viện sẽ sớm tìm kiếm một gói cứu trợ khác "để thực hiện các động thái hiệu quả hơn nữa trong việc bảo vệ sức khỏe, an ninh kinh tế và hạnh phúc của người dân Mỹ".
Trong một động thái tương tự, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati hôm 13-3 thông báo gói cứu trợ kinh tế trị giá 8,1 tỉ USD. Theo đó, một số công nhân trong ngành sản xuất sẽ được miễn thuế thu nhập trong khi các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ được giảm thuế.
Bình luận (0)