Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lao dốc ngày 13-8, khiến nhiều nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương khác cũng "dính đòn". Trong khi đó, các động thái chính sách của ngân hàng trung ương nước này không trấn an được giới đầu tư.
Lo lây lan
Trong ngày giao dịch đầu tuần ở châu Á, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ có lúc rớt tới 10% xuống mức 7,131 lira đổi 1 USD - mức thấp chưa từng có trong lịch sử. Đồng tiền này thậm chí vẫn lao dốc sau khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cung cấp cho các ngân hàng tất cả sự thanh khoản cần thiết. Lira đã giảm giá trị tới 20% vào cuối tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế nặng lên thép và nhôm Thổ Nhĩ Kỳ.
Những cú trượt dốc chóng mặt nói trên gây sức ép lên đồng euro, khiến đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm giữa lúc các nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng tài chính có thể lây lan sang các thị trường khác ở châu Âu. Các thị trường mới nổi khác, như Indonesia và Nam Phi, vốn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, cũng rung chuyển mạnh. Đồng rand của Nam Phi trượt dốc tới 9,2%, xuống mức gần như thấp nhất trong 2 năm so với USD trong khi nhân dân tệ của Trung Quốc áp sát mức yếu nhất trong vòng hơn 1 năm. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến thị trường chứng khoán thế giới "đỏ lửa" trong phiên giao dịch đầu tuần.
Chiến lược gia thị trường toàn cầu Kerry Craig thuộc hãng JPMorgan Asset Management nhận định sự suy sụp của đồng lira ập đến vào thời điểm không thể tệ hơn, khi các nhà đầu tư đã vô cùng khó chịu. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nguyên nhân chính cho những lo ngại đối với các thị trường tài chính toàn cầu bởi ngoài những thách thức kinh tế nội tại, nước này còn vướng vào cuộc tranh cãi leo thang với đồng minh quân sự chủ chốt Mỹ về số phận của mục sư Andrew Brunson.
Nhà Trắng tuyên bố sẽ dồn áp lực lên Ankara cho tới khi mục sư đang đối mặt với các cáo buộc khủng bố và án tù lên tới 35 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ được phóng thích và trở về nước. Ông Erdogan cự tuyệt yêu cầu thả tự do lập tức cho ông Brunson và đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Trump châm ngòi cuộc đối đầu.
Người đàn ông nhìn vào bảng hiển thị tỉ giá ở văn phòng hối đoái tại Istanbul Ảnh: REUTERS
Rủi ro
Tổng thống Erdogan cũng dọa quay sang các đồng minh thay thế, như Nga và Trung Quốc. Trong động thái cho thấy ông Erdogan không nói suông, việc lập lại quan hệ hữu nghị với Moscow sớm được xúc tiến khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đến Ankara ngày 13-8 để bàn về một cuộc gặp thượng đỉnh đã được lên kế hoạch về Syria mà Washington không góp mặt.
Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thậm chí ấn tượng hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2017.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Torsten Slok thuộc ngân hàng Deutsche Bank, Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng dễ tổn thương hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác. Cũng không nằm ngoài xu hướng vay nợ nước ngoài nhiều như các nền kinh tế mới nổi khác nhưng tỉ lệ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều.
Tỉ lệ nợ ngoại tệ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ lên đến khoảng 70%, so với mức 15% của Trung Quốc và chưa đến 25% của Nga. Điều này khiến gánh nặng nợ nần của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi đồng nội tệ rớt giá. Không những vậy, nước này không có nguồn dự trữ đủ lớn để cứu nền kinh tế khi bất trắc xảy ra, theo nhà phân tích Richard Briggs từ hãng nghiên cứu CreditSights.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều thời gian để ngăn chặn cơn "sóng thần" bán tháo và sự sụp đổ của đồng lira. Trong khi đó, trong các biện pháp giải cứu mới nhất mà ngân hàng này đưa ra không đả động tới tăng lãi suất để chống lạm phát cao.
Tổng thống Erdogan, người vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới hồi tháng trước với nhiều quyền hạn hơn, phản đối biện pháp vốn được nhiều chuyên gia tài chính đề xuất này. Theo tờ Guardian, động thái tiếp theo của nhà lãnh đạo này có thể là áp đặt kiểm soát vốn.
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Paul Greer thuộc hãng Fidelity International, Thổ Nhĩ Kỳ là một nền kinh tế tương đối mở và đòi hỏi một lượng tài chính lớn từ nước ngoài. Kiểm soát vốn sẽ không thể phát huy tác dụng và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần được tiếp sức bằng một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Bình luận (0)