Trung Quốc đang chịu không ít sức ép về chuyện công bố dữ liệu vắc-xin Covid-19 sau khi 2 công ty Pfizer Inc (Mỹ) và BioNTech SE (Đức) hôm 9-11 thông báo vắc-xin của họ dường như có hiệu quả đến hơn 90% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Kết quả ban đầu này giúp 2 công ty nói trên vượt lên trong cuộc đua bào chế vắc-xin Covid-19.
Đáng chú ý là ngay trong ngày thông tin tích cực trên được công bố, cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối của một trong những vắc-xin Covid-19 hàng đầu Trung Quốc (do Công ty Sinovac sản xuất) đã bị tạm ngưng ở Brazil. Dù quyết định này được đảo ngược 2 ngày sau đó, một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh cần trấn an dư luận về sự an toàn của các vắc-xin Covid-19 của mình.
Ngoài ra, ông Nicolas Chapuis, Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, còn chỉ ra một số vấn đề chưa có lời giải khác liên quan đến vắc-xin Covid-19 Trung Quốc, như chuyện phân phối, giá bán và sự chứng nhận quốc tế.
Theo trang Bloomberg, Trung Quốc đã cam kết ưu tiên cung cấp vắc-xin Covid-19 cho hơn 60 quốc gia. Ngoài ra, Indonesia, Bangladesh, Pakistan và Morocco có thỏa thuận chính thức với các nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu Trung Quốc.
Bắc Kinh còn hứa hẹn cho một số nước ở châu Mỹ Latin và vùng Caribbean vay khoảng 1 tỉ USD để mua vắc-xin Trung Quốc. Dù vậy, bước lùi ở Brazil nói trên, cộng với thông báo của Pfizer và BioNTech đe dọa đến "ngoại giao vắc-xin" mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Ông Joao Doria, Thống đốc bang Sao Paulo (trái) và ông Tadeu Covas, Giám đốc Viện Butantan, cùng cầm một hộp vắc-xin Covid-19 tiềm tàng của Công ty Sinovac (Trung Quốc) tại một cuộc họp báo ở TP Sao Paulo - Brazil hôm 9-11Ảnh: REUTERS
Hiện chưa có nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 nào của Trung Quốc công bố dữ liệu ban đầu về các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 như những gì Pfizer và BioNTech đã làm.
"Vấn đề ở đây là tình trạng thiếu minh bạch. Vì thế, chính phủ Trung Quốc nên công khai kết quả các cuộc thử nghiệm và những thông tin liên quan để giới chuyên gia có thể xem xét kỹ lưỡng" - ông Yong-wook Ryu, chuyên gia tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Trường ĐH Quốc gia Singapore), nhận định.
Trong lúc này, cuộc đua phát triển vắc-xin Covid-19 thêm sôi động sau khi Công ty CureVac AG (Đức) hôm 12-11 cho biết họ chuẩn bị tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với loại vắc-xin Covid-19 tiềm năng. Cuộc thử nghiệm này dự kiến có sự tham gia của 36.000 người tình nguyện và kéo dài khoảng 3 tháng.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Công ty CureVac AG dự định đệ đơn xin phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin này sớm nhất là trong quý I/2021. Ông Franz-Werner Haas, Giám đốc điều hành Công ty CureVac AG, cho biết sự phê chuẩn cuối cùng có thể vào tháng 9-2021, đồng thời tin rằng CureVac AG có thể sản xuất 300-400 triệu liều trong năm tới. Công ty CureVac AG đưa ra thông tin trên không lâu sau khi Nga tuyên bố vắc-xin Covid-19 của mình, gọi là Sputnik V, hiệu quả đến 92%.
Bất chấp nỗ lực phát triển vắc-xin Covid-19 đang đạt tiến triển, giới chức châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới hôm 12-11 nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện những biện pháp nhằm kiểm soát gia tăng số ca Covid-19 mới khi mùa đông đến.
Theo họ, người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phong tỏa bởi rõ ràng là vắc-xin Covid-19 sẽ không xuất hiện đủ sớm cho nhiều nền kinh tế đang bị dịch bệnh hoành hành. Theo Reuters, Pfizer và BioNTech chỉ đặt mục tiêu sản xuất 50 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong năm nay nếu được bật đèn xanh kịp lúc. Vì thế, loại vắc-xin này sẽ chỉ có thể được sử dụng phổ biến hơn vào năm tới, khiến các hệ thống y tế phải gồng mình đối phó dịch bệnh từ bây giờ cho đến đó.
Xác định hiệu quả của vắc-xin bằng cách nào?
Có hơn 43.500 người tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 của 2 công ty Pfizer và BioNTech. Trong số này, một nửa tình nguyện viên được tiêm vắc-xin và một nửa còn lại được tiêm giả dược. Hai công ty đã chờ cho đến khi 94 người tình nguyện có biểu hiện triệu chứng và cho kết quả dương tính với Covid-19 để đánh giá hiệu quả ban đầu của vắc-xin. Trong số 94 bệnh nhân Covid-19 này, không quá 8 người được tiêm vắc-xin và số còn lại được tiêm giả dược. Từ số liệu này, vắc-xin của họ được cho là có hiệu quả hơn 90%. "Trong số 94 người bị nhiễm Covid-19, 8 người thuộc nhóm được tiêm vắc-xin và 86 người thuộc nhóm được tiêm giả dược" - ông David Spiegelhalter, chuyên gia của Trường ĐH Cambridge (Anh), nói với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, hiệu quả của vắc-xin Sputnik V được xác định dựa trên cuộc thử nghiệm có sự tham gia của 16.000 người tình nguyện. Trong số này, 25% tình nguyện viên được tiêm giả dược. Viện Gamaleya cho biết vắc-xin của họ đạt "hiệu quả 92%" sau khi xem xét 20 trường hợp người tình nguyện mắc Covid-19.
Một số chuyên gia cho rằng trong một cuộc thử nghiệm hàng chục ngàn người, khoảng 150-160 người mắc bệnh - con số lý tưởng trước khi đưa ra đánh giá đáng tin về hiệu quả của một loại vắc-xin. Đây cũng là điều 2 công ty Pfizer và BioNTech nhắm đến khi họ có kế hoạch đưa ra đánh giá cuối cùng sau khi 164 người mắc bệnh trong cuộc thử nghiệm.
Bình luận (0)