Vắc-xin Covid-19 gây chấn động với tuyên bố "hiệu quả 90%" của Pfizer và BioNTech, hay đối thủ đáng gờm từ hãng Moderna đều là dạng vắc-xin mRNA mới mẻ.
4 loại
Theo bài báo khoa học được đăng trên tạp chí The Conversation của nhà khoa học Aïssatou Aïcha Sow, nghiên cứu sinh tiến sĩ về virus học phân tử ở Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia (INRS - Canada), có thể chia các vắc-xin Covid-19 đang được bào chế và thử nghiệm thành 4 loại.
Một nữ tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của hãng Moderna. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Thứ nhất, đó là vắc-xin bất hoạt: dùng chính SARS-CoV-2 làm vắc-xin bằng cách xử lý hóa học sao cho nó không có khả năng gây bệnh nữa nhưng vẫn đủ kích thích hệ thống miễn dịch để tạo ra đủ kháng thể sẵn sàng "nghênh chiến" với mầm bệnh thực sự.
Thứ hai là vắc-xin tái tổ hợp. Gồm 2 dạng, dạng thứ nhất là "vắc-xin tiểu đơn vị": một "nhà máy" sống như tế bào của vi khuẩn, thực vật, động vật có vú hay côn trùng sẽ được sử dụng để làm nơi sản xuất một protein virus. Protein này cũng không thể gây bệnh nhưng sẽ tạo ra kích thích cần thiết khi đối diện với hệ thống miễn dịch của người được tiêm. Dạng thứ hai của vắc-xin tái tổ hợp là vắc xin "hạt giống virus", trong đó protein virus sẽ được dùng để mô phỏng hình dạng của virus. "Hình nhân thế mạng" này chỉ có vỏ rỗng, không có vật chất di truyền, không lây nhiễm, mà cũng chỉ đủ kích thích hệ miễn dịch.
Thứ ba là vắc-xin vector virus, trong đó một loại virus vô hại hoặc ít nguy hiểm được sửa đổi để biến thành "ngựa thành Troy", giúp tăng đột biến một lượng protein SARS-CoV-2 trong cơ thể người được tiêm, cũng để kích thích hệ miễn dịch. Vắc-xin Ebola dựa trên chính công nghệ này.
Cuối cùng là vắc-xin RNA và DNA. Trong đó, vắc-xin mRNA (RNA thông tin) đang là thứ được Pfizer và BioNTech hay Moderna lựa chọn để chống lại loại virus RNA SARS-CoV-2. RNA, vốn là một vật liệu di truyền, khi đi vào cơ thể sẽ đóng vai trò một chiếc khuôn để các tế bào của cơ thể sản xuất ra một protein virus đột biến, "đóng giả" mầm mệnh thực sự. Cũng như các dạng vắc-xin khác, gây kích thích để hệ miễn dịch chuẩn bị "quân đội", để sẵn sàng nghênh chiến khi có "kẻ địch" thật sự, cũng là mục tiêu của vắc-xin RNA và DNA.
Thử nghiệm có sự lây nhiễm chủ động là cần thiết?
Trong bài báo được British Medical Journal (BMJ) đăng tải vài tuần trước, tiến sĩ Peter Hotez từ Trường Y học nhiệt đới quốc gia thuộc Đại học Y Baylor (TP Houston, bang Texas - Mỹ), từng bày tỏ lo ngại rằng số lượng bệnh nặng phải nhập viện chỉ xảy ra ở một phần nhỏ các trường hợp Covid-19 có triệu chứng, vì vậy sẽ khó xảy ra với số lượng đáng kể trong các thử nghiệm. Với thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tỉ lệ bệnh nặng đến mức phải nhập viện trong số các trường hợp có triệu chứng là khoảng 3,4%, số còn lại chỉ trải qua các triệu chứng rất nhẹ, thậm chí rất nhiều người nhiễm nhưng không hề có triệu chứng bệnh. Vì thế, ngay cả một thử nghiệm với số tình nguyện viên là 30.000 người trở lên, số ca bệnh thực sự được ghi nhận để đánh giá hiệu quả của vắc-xin vẫn là rất thấp.
Một bài báo khoa học khác vừa đăng tải bởi tạp chí Science, trong khi vắc-xin của Pfizer và BioNTech được công bố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lên đến 90% thì Moderna cũng vừa tuyên bố vắc-xin của họ không những hiệu quả 94,5% trong việc giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh mà còn giúp người được tiêm nếu lỡ mắc bệnh cũng bệnh nhẹ hơn. Trong số 30.000 người tham gia thử nghiệm của Moderna, chỉ có 5 trường hợp đã tiêm vắc-xin được xác định mắc Covid-19 nhưng đều không bệnh nặng; trong khi 90 người tiêm giả dược đã bị bệnh với 11/90 người phát triển những triệu chứng nghiêm trọng.
Phát biểu trên Science, bác sĩ Ruth Karron, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu tiêm chủng tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, lưu ý rằng cả Moderna, và Pfizer - BioNTech đều chưa đánh giá liệu vắc-xin này có giúp ngăn ngừa việc nhiễm virus hoàn toàn hay không. "Dữ liệu mà chúng tôi có cho thấy những vắc-xin này bảo vệ bạn khỏi bệnh nặng. Nhưng không có nghĩa bạn không mang virus và lây cho người thân, hàng xóm, khách hàng của bạn" - bà giải thích, tuy vẫn đánh giá rằng kết quả thử nghiệm các vắc-xin trên là tuyệt vời.
Trong bài báo khoa học thực hiện bởi tiến sĩ Euzebiusz Jamrozik (chuyên gia về đạo đức trong bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm Đạo đức và Nhân văn Ethox & Welcome thuộc Đại học Oxford - Anh), giáo sư Kanta Subbarao (Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty - Úc) và giáo sư Michael Selgelid (Trung tâm Đạo đức Sinh học Monash thuộc Đại học Monash - Úc), vấn đề lây nhiễm chủ động cho tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã được đặt ra.
Bài viết trên The Conversation này giải thích: đó là việc chủ động cho các tình nguyện viên khỏe mạnh, trẻ tuổi tiếp xúc với SARS-CoV-2 nhằm xác định trực tiếp vắc-xin có bảo vệ họ khỏi tình trạng nhiễm virus hay không. Dạng nghiên cứu này giúp đẩy nhanh tiến độ, giúp các nhà khoa học theo dõi sự lây nhiễm và khả năng tạo miễn dịch chặt chẽ hơn so với các nghiên cứu khác. Cản trở duy nhất là SARS-CoV-2 là một virus quá mới, nên giới khoa học vẫn lo ngại dạng thử nghiệm này có thể đem đến nguy cơ ngoài dự liệu cho các tình nguyện viên.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-11
Bình luận (0)