Hiệp định đình chiến ngày 11-11-1918 đã khép lại cảnh tượng đổ máu trong Thế chiến I. Cuộc chiến đó cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người và khiến hàng chục triệu người bị thương hoặc phải sơ tán.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến đi kéo dài một tuần, gặp các quan chức cấp cao cũng như thăm một số địa điểm quan trọng nhất trong Thế chiến I. Điểm gây chú ý nhất trong khuôn khổ lễ kỷ niệm này là Diễn đàn Hòa bình Paris, diễn ra đúng vào ngày 11-11. Sự kiện được xem là cú hích cần thiết cho trật tự tự do trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.
Là nhà bảo trợ chính của sự kiện, Tổng thống Macron nhấn mạnh cam kết có từ 100 năm trước rằng thế giới sẽ không bao giờ trải qua thảm họa tương tự. Với sự hiện diện của hàng ngàn nhân vật có nhiều ảnh hưởng trên thế giới, trong đó có các nhà lãnh đạo hàng đầu từ hơn 80 quốc gia, ông Macron khẳng định Pháp và các đồng minh sẽ duy trì cam kết tương tự. Diễn đàn Hòa bình Paris, trong tâm trí của ông Macron, mở ra cơ hội "tái đầu tư vào chủ nghĩa đa phương" và bảo đảm sự thắng thế của hòa bình mỗi ngày.
Ngay cả khi loại xung đột quốc tế giống Thế chiến I dường như là viễn cảnh xa xôi vào thời điểm này, một loạt thách thức toàn cầu đang làm suy yếu hòa bình trong tương lai. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc cảnh báo hiểm họa môi trường phía trước trong bối cảnh thế giới chưa nỗ lực hạn chế khí thải nhà kính và giảm sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu. Thực trạng này, cộng với sự tổn thất của đa dạng sinh học, đang góp phần gây ra bất bình đẳng kinh tế, cạnh tranh giữa các cường quốc và một loạt vấn đề khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Hòa bình Paris hôm 11-11 ở thủ đô Paris - Pháp Ảnh: REUTERS
Song song đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc đang lên nắm quyền tại nhiều nước phương Tây. Chính sách "nước Mỹ trên hết" của chính quyền Tổng thống Donald Trump góp phần làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ và gây ra sự rạn nứt của trật tự thế giới. Trong khi đó, châu Âu vật lộn với cuộc đàm phán về thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), một số nước đề xuất các biện pháp kiểm soát biên giới và nước Ý dưới sự dẫn dắt của chính phủ dân túy đang trên bờ vực khủng hoảng tài chính.
Tất cả điều này xảy ra vào thời điểm Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận sẽ sớm rút khỏi sân khấu chính trị, khiến châu Âu và chủ nghĩa quốc tế tự do tuyệt vọng trong việc tìm kiếm một người dẫn đầu mới. Cùng với những lợi ích mang lại, toàn cầu hóa cũng đặt ra hàng loạt thách thức xuyên biên giới và phần nào đó kích động tâm trạng chủ nghĩa dân tộc đang đe dọa trật tự tự do.
Việc tìm kiếm sự ủng hộ cho hành động quốc tế - như cam kết của diễn đàn - chưa bao giờ là mục tiêu cấp thiết hơn bây giờ. Sự hậu thuẫn của nhiều nhân vật có ảnh hưởng, như ông Macron, trở thành nguồn lực đáng kể để chinh phục mục tiêu này.
Tuy nhiên, vẫn chưa có gì bảo đảm sứ mệnh này sẽ thành công. Nhiều người hoài nghi khả năng Tổng thống Macron trở thành người dẫn đầu nỗ lực duy trì trật tự thế giới tự do giữa lúc tỉ lệ ủng hộ sụt giảm và kết quả cải cách chưa mấy ấn tượng trong nước. Hơn nữa, Diễn đàn Hòa bình Paris thiếu những động lực quan trọng. Tổng thống Trump không tham dự trong lúc khâu tuyên truyền mờ nhạt khiến không nhiều người biết đến sự kiện này.
Khi Diễn đàn Hòa bình Paris diễn ra, tiếng vọng từ quá khứ chắc chắn vang lại. Trong khi hiệp định đình chiến năm 1918 vẫn được xem là một biểu tượng của hy vọng suốt nhiều năm qua thì lịch sử tỏ ra ít tử tế hơn với những hiệp định tương tự đạt được sau đó.
Dù giúp đạt được Hòa ước Versailles và chính thức chấm dứt Thế chiến I, Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919 lại bị xem là rủi ro về ngoại giao khi đặt nền móng cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và Thế chiến II. Lời cam kết về hòa bình đã nhường chỗ cho sự tan vỡ của trật tự và sự trở lại của chiến tranh. Paris vừa đóng vai trò chủ nhà của một hội nghị lịch sử khác. Với thế giới đang đứng trước ngã tư đường, cái giá là quá lớn nếu thất bại trong công cuộc gìn giữ hòa bình.
Bình luận (0)