Chiều 2-1, kênh Metro TV (Indonesia) cho biết ông Yayan Sofiyan, chỉ huy trưởng của tàu chiến Bung Tomo thuộc Hải quân Indonesia, thông báo đội cứu hộ vừa phát hiện vật thể nghi là đuôi của chiếc máy bay AirAsia QZ8501 ở độ sâu 29 m dưới biển Java.
Thu hẹp phạm vi tìm kiếm
Với thiết bị dò tìm hiện đại, các chuyên gia quốc tế lùng sục vùng biển khoảng 5.400 km2 hôm 2-1, bằng 1/10 diện tích tìm kiếm một ngày trước. Người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia (Barsanas), ông Bambang Soelistyo, nói: “Hai ưu tiên hàng đầu là định vị thân máy bay và khoanh vùng vị trí hộp đen”. Do QZ8501 rơi ở vùng biển nông nên các chuyên gia cho là không khó để bắt tín hiệu hộp đen nhưng thời tiết xấu tiếp tục kìm hãm tiến độ tìm kiếm.
Cùng ngày 2-1, báo The Straits Times (Singapore) cho biết Nhật triển khai 2 tàu hỗ trợ tìm kiếm trong khi 2 máy bay Nga và 72 nhân viên cứu hộ cùng thiết bị dò âm, dụng cụ lặn và máy bay không người lái đã có mặt. Chiến hạm RSS Kallang (có khả năng tìm dưới nước) và đoàn chuyên gia thuộc Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không (BEA) của Pháp cũng nhập cuộc. Tuy nhiên, các ống nghe dưới nước cùng thiết bị siêu âm chưa thể sử dụng do sóng lớn. Tướng Sunarbowo Sandi thuộc Barsanas cho hay các tàu hải quân chống ngầm của Indonesia, Mỹ và Singapore đang dùng sóng siêu âm quét đáy biển.
Tới cuối ngày 2-1, đã có tổng cộng 30 thi thể được vớt lên, trong đó có 5 nạn nhân vẫn bị mắc kẹt trên ghế ngồi của máy bay, theo ông Sofiyan. Tại cuộc họp báo chiều 2-1, phía Indonesia cho biết đã nhận dạng được thêm 2 hành khách Grayson Herbert Linaksita và Kevin Alexander Soetjipto cùng nữ tiếp viên Khairunisa Haidar Fauzi.
Như “bị ném xuống biển”
Đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến QZ8501 gặp nạn sau khi cất cánh từ TP Surabaya chỉ 36 phút sáng 28-12. Dựa trên những dữ liệu radar rò rỉ cũng như các thi thể và mảnh vỡ thu thập được, giới chuyên gia hàng không đưa ra một số giả thuyết, tập trung vào các yếu tố như thời tiết xấu, máy bay tăng độ cao quá đột ngột dẫn đến “chết máy” trên không và rơi xuống.
Đáng chú ý, tờ Daily Mail (Anh) ngày 1-1 dẫn nhận định của 2 chuyên gia Gerry Soejatman (người Indonesia) và Peter Marosszeky (người Úc) cho rằng chiếc Airbus 320-200 bị “kẹp” chặt trong điều kiện thời tiết hết sức dị thường khiến các phi công không thể làm gì để cứu mạng 162 người trên máy bay. Sau khi xem xét các dữ liệu rò rỉ từ nhóm điều tra, ông Soejatman cho rằng máy bay đã tăng độ cao với tốc độ mà “phi công không thể đạt tới”, sau đó rơi thẳng đứng “như một miếng kim loại bị bàn tay khổng lồ ném xuống”. Trước đó, chi tiết tăng độ cao đột ngột đến mức “không thể tin được” khiến máy bay chết máy giữa không trung đã được một số chuyên gia nhắc tới.
Còn ông Marosszeky - đến từ Trường ĐH New South Wales (Úc) - nhận định với tờ Sydney Morning Herald rằng vận tốc khi máy bay chúi xuống quá thấp, chỉ khoảng 112 km/giờ, cho thấy máy bay đã “xuống” theo phương gần như thẳng đứng, đồng thời lý giải vì sao các mảnh vỡ chỉ cách nơi máy bay mất liên lạc chừng 10 km. Theo ông Soejatman, có thể máy bay bị một dòng khí đi lên cực mạnh cuốn theo, ngay sau đó lại bị một dòng khí đi xuống mạnh tương đương kéo xuống. “Các số liệu bị rò rỉ cho thấy máy bay tăng độ cao 1,8 - 2,7 km/phút, một mức độ chưa từng có. Bạn không thể làm điều đó với chiếc Airbus A320” - ông Soejatman nói. Ông Marosszeky đồng tình, cho rằng sự tăng độ cao ngang ngửa chiến đấu cơ như vậy là dấu hiệu của “một hiện tượng thời tiết khủng khiếp”. Nhưng máy bay rơi còn khó tin hơn - 3,3 km/phút, có lúc tới 7,3 km/phút - vượt qua chiếc Airbus A330 của Air France khi nó rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009, làm chết 228 người.
Tuy nhiên, ông Dudi Sudibyo - biên tập viên cấp cao của tạp chí hàng không Angkasa - phỏng đoán cơ trưởng Iriyanto đã hạ cánh khẩn cấp xuống mặt biển một cách thành công song QZ8501 không may bị sóng gió đánh chìm. Cơ sở cho lập luận này là bộ truyền tín hiệu khẩn cấp (ELT) trên máy bay - phát tín hiệu khi có va đập mạnh với mặt đất, mặt biển hay sườn núi - không phát đi tín hiệu nào. Thêm vào đó, theo nguyên tư lệnh không quân Indonesia Chappy Hakim, các thi thể được vớt lên đến lúc này đều nguyên vẹn cho thấy máy bay không nổ tung trên không và cũng không bị va đập. Hai mảnh vỡ đầu tiên được tìm thấy là từ một cửa thoát hiểm và phao cứu sinh, tức là có những hành khách đã mở cửa thoát hiểm để thoát ra, theo nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải Indonesia Jusman Syafii Djamal.
Ngư dân tìm kiếm
Indonesia kêu gọi người dân trên đảo Borneo tìm kiếm thi thể nạn nhân tại các khu rừng ngập mặn hẻo lánh và bãi biển của đảo. Từ khi tai nạn xảy ra, gió vẫn thổi về hướng Tây nhưng sóng lại đánh về phía Đông nên một số thi thể có lẽ đã dạt vào vùng bờ biển dài hơn 144 km của Borneo, nơi dân cư thưa thớt và chỉ tiếp cận được bằng thuyền nhỏ.
Ông Sunarbowo Sandi, chỉ huy hoạt động cứu hộ ở thị trấn Pangkalan Bun thuộc tỉnh Trung Kalimantan, cho báo Telegraph (Anh) biết khoảng 1.000 binh sĩ và nhân viên cứu hộ đã được triển khai đến các khu vực xa xôi của đảo, đồng thời ngư dân và người dân sống gần bờ biển cũng được nhờ vả. Bà Widarti, vợ của một nông dân trồng cọ dầu ở địa phương, cho biết họ đã được cung cấp thông tin về thảm họa nhưng đến giờ chưa phát hiện được gì.
Xuân Mai
Bình luận (0)