Dòng sông dài 4.350 km chảy từ Trung Quốc xuống Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bắc Kinh trước đó đã bác bỏ nghiên cứu của Mỹ cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ một lượng lớn nước gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn, nơi có đến 60 triệu người sống dựa vào sông Mekong để đánh bắt và canh tác.
Đập Đại Triều Sơn được xây dựng trên đoạn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Ảnh: AP
Dự án mới "Mekong Dam Monitor", một phần do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, sẽ dùng dữ liệu từ các vệ tinh có thể đo đạc xuyên qua các đám mây để tính toán mực nước ở các đập của Trung Quốc và những quốc gia khác. Thông tin sẽ được công khai theo thời gian thực kể từ ngày 15-12.
Một chỉ số khác về "độ ẩm bề mặt" sẽ cho thấy khu vực nào có độ ẩm cao hơn hay thấp hơn so với bình thường, từ đó cho thấy các dòng chảy tự nhiên đang bị ảnh hưởng thế nào do tác động của các đập Trung Quốc.
Ông Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson ở Washington cho biết: "Dự án giám sát này sẽ cung cấp bằng chứng rằng 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong được điều phối một cách tinh vi và vận hành theo cách tối đa hóa sản lượng thủy điện các tỉnh phía Đông Trung Quốc mà không có sự quan tâm nào đến ảnh hưởng ở hạ lưu".
Viện Kỹ thuật Năng lượng Tái tạo Trung Quốc được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn cho biết trong một báo cáo hôm 4-12 Mỹ không thể cung cấp bằng chứng thuyết phục. Cơ quan này cho rằng những lợi ích tích cực của các công trình thủy điện thượng nguồn sông Mekong đối với các nước láng giềng ở hạ lưu sông Mekong là rõ ràng và hiển nhiên, đồng thời cho hay nước được tích trữ trong các hồ chứa trong mùa lũ đã giúp ngăn ngừa lũ lụt và hạn hán ở vùng hạ lưu.
Trung Quốc hồi đầu năm đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với Ủy hội sông Mekong (MRC). Trung Quốc và Mỹ đều có những tổ chức riêng để hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong như nhóm hợp tác Lan Thương - Mekong của Trung Quốc và quan hệ đối tác Mekong - Mỹ của Mỹ.
Bình luận (0)