Thủ tướng New Zealand John Key đang đối mặt nhiều áp lực sau khi “bom tấn” Hồ sơ Panama để lộ 61.000 tài liệu cho thấy giới tài phiệt Mỹ Latin lập những quỹ đen ở nước này để che giấu tiền và trốn thuế.
Cứu vãn hình ảnh
Hãng luật Mossack Fonseca (trụ sở tại Panama) - tâm điểm của vụ bê bối chấn động thế giới này - tán tụng New Zealand là nơi tuyệt vời để kinh doanh nhờ vào chính sách miễn thuế, mức độ bảo mật cao và an ninh pháp lý.
Theo phóng sự do đài phát thanh Radio New Zealand, đài truyền hình và phóng viên điều tra Nicky Hager kết hợp thực hiện, ít ai biết rằng New Zealand có tới 11.000 quỹ bí mật, giúp nước này thu về 50 triệu USD tiền phí mỗi năm. Luật pháp New Zealand cho phép mở ra những quỹ kín để giữ tiền, cổ phiếu, bất động sản, vàng, tranh, thậm chí cả những bộ sưu tập tem, rượu.
Hệ thống quỹ thiết lập giữa những năm 1980 khi New Zealand thả lỏng hơn trong lĩnh vực tài chính. Các quỹ tương tự cũng xuất hiện ở Anh hay Úc. Điều hấp dẫn là nếu những quỹ này không làm ăn và kiếm tiền ở New Zealand thì không phải đóng thuế. Các đại gia nước ngoài chỉ chờ có vậy để hưởng lợi nhiều nhất từ sự “ưu đãi” này.
Chính phủ New Zealand hồi tháng 4-2016 tuyên bố sẽ đánh giá lại bộ luật về việc cá nhân hay doanh nghiệp nước ngoài lập quỹ, công ty tại nước này. Sau khi Hồ sơ Panama vỡ lở, các lãnh đạo đảng đối lập ở New Zealand đã đồng loạt lên tiếng đòi chính phủ phải hành động gấp rút để cứu vãn hình ảnh đất nước. Lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Andrew Little nhấn mạnh phải hủy bỏ hệ thống pháp lý đã biến đất nước New Zealand trở thành một trong những thiên đường trốn thuế.
Cạnh tranh khốc liệt
Quần đảo Cayman - “đàn anh” trong thế giới thiên đường thuế - cũng từng bị phanh phui từ hàng chục năm trước nhưng chưa bao giờ có ý định dẹp bỏ thiên đường thuế của mình. Họ lập luận rằng điều đó sẽ chẳng khiến thế giới tốt đẹp hơn mà chỉ đơn giản là nhường “sân chơi” cho kẻ khác. Mảnh đất bí ẩn thuộc Anh gần đây bất ngờ cho phép một đoàn làm phim của BBC tiếp cận ở mức độ chưa từng có tiền lệ.
Theo nhà báo Jacques Peretti của đài BBC, ông tưởng rằng sự có mặt của một tên tuổi từng gắn với một số phim tài liệu gai góc về doanh nghiệp hay bất bình đẳng giàu nghèo như ông sẽ khiến cư dân trên đảo Cayman dè chừng. Ông và các đồng nghiệp tại BBC chờ đợi một “sự đón tiếp” kiểu nhất cử nhất động đều bị theo sát như thể tác nghiệp ở Triều Tiên.
Thế nhưng, thực tế lại thú vị hơn nhiều. Dù không thể lục lọi mọi ngóc ngách trong tòa nhà 5 tầng Ugland mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng gọi là “ổ trốn thuế lớn nhất thế giới” nhưng sự tiếp cận cũng đủ gần để Peretti nhận thấy 20.000 công ty đăng ký trong tòa nhà này mà không hề có bóng người.
Lý do gì đã khiến Cayman quyết định cởi mở? Họ muốn cho thế giới thấy rằng Cayman mờ ám là chuyện của quá khứ khi gắn với tên tuổi hòn đảo lúc đó là những cái tên tai tiếng như nhà độc tài Panama Noriega hay trùm ma túy Colombia Escobar chứ không phải những “gã khổng lồ” như Facebook hay Tesco như ngày nay. “Nếu phát hiện tiền tham nhũng, chúng tôi sẽ xử lý thẳng tay ngay” - Thống đốc đảo Alden McLaughlin quả quyết.
Ông McLaughlin không đồng ý gọi Cayman là thiên đường thuế mà là “trung tâm tài chính quốc tế” (IFC). Theo vị lãnh đạo này, thế giới IFC đang ngày càng cạnh tranh dữ dội. Thụy Sĩ, Monaco, London - Anh và thậm chí cả tiểu bang Delaware - Mỹ đều đang chạy đua với mục tiêu mang lại những lợi thế thuế béo bở nhất cho các doanh nghiệp toàn cầu. Thế nên, khó có thể làm ăn được nếu cứ vướng víu với những ác cảm từ chuyện quá khứ.
Với 1.500 tỉ bảng chuyển qua những ngân hàng trên đảo, tưởng như người dân Cayman sẽ có một cuộc sống trong mơ. Vậy mà, trong ngôi nhà 4 phòng ngủ có giá lên tới gần 2 triệu bảng, cặp đôi Paula và Paul từ Manchester chuyển tới đây sống tiết lộ dù họ chẳng phải đóng 1 xu thuế cho khoản thu nhập 40.000 bảng nhưng giá cả trong siêu thị có thể gọi là ác mộng. Một hộp cá giá tới 8,5 bảng, còn tạp chí Hello giá 6 bảng.
Mang tiếng là “thủ phạm” nuôi dưỡng sự bất bình đẳng toàn cầu, hòn đảo này dường như không để lộ sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp như ở những quần đảo Caribe hàng xóm. Đâu đó vẫn thấy bóng dáng các đại gia bận rộn xây dựng biệt thự bên bãi biển và đưa trực thăng chở cả những chuyên gia từ Los Angeles tới chỉ để làm tóc. Còn lại phần lớn cư dân trên đảo đều sống tương đối đơn giản.
Một chuyên gia phân tích về thuế trên đảo đã ví von một cách đơn giản: Coi trường hợp của Cayman như một chiếc xe chạy nhanh. Nếu bạn lớn tiếng đòi hỏi giải quyết câu chuyện bất công trên toàn cầu, hãy nói chuyện với kẻ cầm lái chứ không phải những người cần mẫn bơm đầy hơi bánh xe.
Hãy đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu!
Phát hiện khiến nhà báo Peretti bất ngờ nhất ở Cayman là suy nghĩ của những chuyên viên kế toán giàu có - những người trợ giúp đắc lực cho các doanh nghiệp toàn cầu tránh thuế. Các chuyên viên này lập luận: “Đừng đổ lỗi cho chúng tôi, hãy đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Họ nói rằng Cayman chỉ là một bánh răng trong guồng máy công suất lớn của thương mại tự do mà các doanh nghiệp là một phần quan trọng. Và họ có lý lẽ riêng: Chính phủ Anh đã biến Cayman thành một thiên đường thuế vào những năm 1960 để cung cấp một trung tâm tài chính phụ cho London, để các doanh nghiệp có thể giao thương ở nước ngoài. Nhưng nay, họ lại nóng mặt bởi nó làm quá tốt việc đó!”.
Bình luận (0)