Tình trạng bất ổn lúc này đang lan rộng ỏ quốc gia Nam Mỹ này. Đã có một người thiệt mạng ở bang Merida – Venezuela. Theo truyền thông địa phương, đó là 1 thiếu niên 17 tuổi bị bắn vào đầu khi cảnh sát và binh lính đụng độ với người biểu tình đòi lương thực.
Hôm 14-6, một vụ bạo lực kinh hoàng đã xảy ra tại Cumana, thành phố cảng phía đông bắc Venezuela khi những kẻ cướp bóc tấn công hàng chục cửa hàng thực phẩm khiến lực lượng an ninh gồng mình chống trả.
Một số nguồn tin xuất hiện trên mạng xã hội còn khẳng định cuộc bạo loạn ở TP Cumana của bang Sucre đã cướp đi sinh mạng của một số người người. Tuy nhiên, thống đốc bang Sucre, ông Luis Acuna, người của Đảng Xã hội cầm quyền, cho biết những cái chết này không liên quan đến cướp bóc.
“Chỉ có 400 người bị bắt. Những trường hợp chết chóc khác không liên quan đến các vụ cướp bóc” – ông khẳng định trên đài truyền hình địa phương.
Ông Luis Acuna còn tố các chính trị gia cánh hữu chủ mưu gây ra tình trạng bạo lực này. “Tôi dám chắc rằng họ dùng tiền xúi người dân làm loạn. Tất cả đã được lên kế hoạch kỹ càng.” – Ông Luis Acuna nói thêm.
Người dân biểu tình đòi lương thực gần phủ tổng thống Venezuela hôm 14-6. Ảnh: Reuters
Ông Nelson Moreno, thống đốc bang Anzoategui, cho biết có 8 kẻ đã bị bắt giữ vào hôm 14-6 trong những “tình huống bất thường”, một thuật ngữ thường được dùng để ám chỉ cướp bóc.
Tại Venezuela lúc này, song song với tình trạng thiếu thốn lương thực ngày một trầm trọng là hàng loạt cuộc biểu tình dữ dội khắp đất nước. Tuần trước, một cảnh sát và một người lính đã bị bắt vì bắn chết 3 người biểu tình.
Hôm 15-6, Văn phòng công tố viên bang Merida cho biết đang điều tra vụ việc một thanh niên 17 tuổi bị bắn chết một ngày trước đó trong một “tình huống bất thường” diễn ra ở bang Andean. Truyền thông địa phương cho hay một cuộc tấn công, biểu tình đòi lương thực đã diễn ra trước đó ở một văn phòng Đảng Xã hội ở bang Andean.
Theo một nhóm giám sát tình hình bạo lực ở Venezuela, mỗi ngày có hơn 10 vụ cướp bóc lương thực diễn ra tại quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng này.
Phe đối lập khẳng định khủng hoảng kinh tế kéo dài xuất phát từ chính sách không hợp lý của Tổng thống Nicolas Madura và người tiền nhiệm Hugo Chavez. Phe đối lập hiện đang ra sức kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm ông Manduro.
Trong khi đó, ông Maduro khẳng định kẻ thù đang tiến hành một cuộc "chiến tranh kinh tế" chống lại ông và tìm cách kích động một cuộc đảo chính. Ông Maduro cũng tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân sẽ không thể diễn ra vào năm nay.
Bình luận (0)