xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Venezuela căng thẳng

Hoàng Phương

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc phe đối lập tìm cách “đảo chính với sự tiếp tay của Mỹ”

Sức ép đang gia tăng lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE) vào tuần rồi quyết định ngưng tiến trình tiến hành trưng cầu ý dân về chiếc ghế của nhà lãnh đạo này với lý do có gian lận.

Biểu tình trong bạo lực

Hôm 26-10 (giờ địa phương), hàng trăm ngàn người ủng hộ phe đối lập đã xuống đường tại thủ đô Caracas và các thành phố lớn. Bạo lực bùng phát khi cảnh sát và người biểu tình đụng độ tại một số nơi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Venezuela Nestor Reverol cho biết 1 cảnh sát thiệt mạng và 2 cảnh sát bị thương ở bang Miranda. Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles cho biết 120 người bị thương và 147 người bị bắt khắp nước nhưng con số này chưa được kiểm chứng.

Không dừng lại ở đó, ông Jesus Torrealba, Tổng Thư ký Đảng Bàn tròn Thống nhất Dân chủ (MUD), kêu gọi một cuộc tổng đình công khắp Venezuela kéo dài 12 giờ vào ngày 28-10.

Phe đối lập cũng nói thêm chính phủ có thời gian từ nay đến ngày 3-11 để thay đổi quyết định liên quan đến tiến trình trưng cầu ý dân. Nếu không, họ sẽ tuần hành đến Phủ Tổng thống Miraflores ở trung tâm Caracas, nơi phe đối lập bị cấm tập trung kể từ năm 2002.

“Chúng ta sẽ kéo đến Miraflores để yêu cầu ông Maduro từ chức. Chúng ta sẽ tuyên bố sự không hợp hiến của ông ấy ngay trên đường phố” - Chủ tịch Quốc hội, ông Henry Ramos Allup, nói về sự kiện dự kiến diễn ra ngày 3-11 trước đám đông biểu tình tại Caracas.

Không chịu lùi bước, ông Maduro đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng hôm 26-10 để bàn đối sách. Phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ bên ngoài Phủ Tổng thống Miraflores, nhà lãnh đạo 53 tuổi cáo buộc phe đối lập tìm cách “đảo chính với sự tiếp tay của Mỹ”, đồng thời khẳng định sẽ không có cuộc trưng cầu ý dân nào về sự lãnh đạo của mình. Dù vậy, trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, ông Maduro cũng kêu gọi đối thoại.

Đáp lại, các thủ lĩnh đối lập tuyên bố sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu tiến trình trưng cầu ý dân được nối lại. Các cuộc đối thoại giữa 2 bên dự kiến diễn ra trên đảo Margarita ngày 30-10 với sự trung gian của Vatican.


Người biểu tình và lực lượng an ninh đối đầu tại TP San Cristobal hôm 26-10 Ảnh: Reuters

Người biểu tình và lực lượng an ninh đối đầu tại TP San Cristobal hôm 26-10 Ảnh: Reuters

Giai đoạn mới

Dù là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng Venezuela đang chìm vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng khiến nhiều gia đình lâm cảnh thiếu ăn còn lạm phát tăng phi mã.

Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Maduro bất tài và phải chịu trách nhiệm cho sự xuống dốc của kinh tế. Đáp lại, nhà lãnh đạo Venezuela quy trách nhiệm cho giá dầu lao dốc và “cuộc chiến tranh kinh tế” do Mỹ đứng đầu nhằm vào ông.

Hai năm trước, ít nhất 43 người đã thiệt mạng trong làn sóng biểu tình phản đối ông Maduro, hầu hết là người biểu tình bị lực lượng an ninh và phe ủng hộ chính phủ bắn chết. Kể từ đó, phe đối lập khó huy động người ủng hộ xuống đường.

Chính vì thế, quy mô lớn của các cuộc biểu tình hôm 26-10 khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, qua đó báo hiệu cuộc đối đầu sắp tới có nguy cơ leo thang bạo lực.

“Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela dự kiến bước vào giai đoạn mới” - bà Risa Grais-Targow, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Eurasia Group (Mỹ), nhận định với tờ The Wall Street Journal. Theo chuyên gia này, chính phủ ông Maduro có thể sử dụng mọi phương cách để ngăn cản người biểu tình, kể cả dùng vũ lực nếu cần.

Dù vậy, theo Reuters, một số người dân Venezuela xem các cuộc biểu tình mới nhất của phe đối lập là vô ích. Đối với người dân nghèo, ưu tiên hàng đầu của họ lúc này là “cơm áo gạo tiền”. Đó là chưa kể nhiều người còn giữ thái độ hoài nghi bởi phe đối lập trước đây dành nhiều ưu ái cho tầng lớp ưu tú.

Trong dấu hiệu cho thấy không dễ để phe đối lập buộc chính phủ nhân nhượng, ông Diosdado Cabello, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền, cảnh báo những doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi đình công sẽ đối mặt nguy cơ rơi vào tay “công nhân và lực lượng vũ trang”. Một lợi thế khác của ông Maduro là vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lực lượng vũ trang.

Phe đối lập không còn nhiều thời gian nếu muốn lật đổ Tổng thống Maduro bằng con đường pháp lý. Nếu đa số cử tri bỏ phiếu chống ông Maduro trong cuộc trưng cầu ý dân tiến hành trong năm nay, bầu cử mới sẽ diễn ra.

Nếu kịch bản này xảy ra vào năm 2017, phó tổng thống sẽ lên thay ông Maduro. Nếu không có trưng cầu ý dân nào, ông Maduro sẽ nắm quyền đến năm 2019.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo