Đáng chú ý, chính quyền ông Maduro sẽ ra lệnh giảm số lượng nhân viên ngoại giao đóng tại đại sứ quán Mỹ ở Caracas. Theo ông, hiện có đến 100 nhân viên ngoại giao Mỹ ở đó, trong khi Venezuela chỉ có 17 người tại Washington. Ngoài ra, theo nhà lãnh đạo Venezuela, phái bộ ngoại giao Mỹ cần thông báo trước và nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương đối với bất kỳ cuộc họp nào do các nhà ngoại giao Mỹ tiến hành ở Venezuela.
Venezuela còn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với một số chính khách Mỹ bị nước này xem là “khủng bố”, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, hai thượng nghị sĩ Bob Menendez và Marco Rubio… “Một nhóm lãnh đạo chính trị Mỹ đã vi phạm nhân quyền khi ném bom những nước như Syria, Iraq, Afghanistan và họ sẽ không được phép đặt chân đến Venezuela vì là khủng bố” - ông Maduro tuyên bố.
Đây được xem là biện pháp đáp trả việc Mỹ vào đầu tháng này áp đặt lệnh cấm một số quan chức Venezuela bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tham nhũng nhập cảnh. Không dừng lại ở đó, Tổng thống Venezuela cho biết mọi công dân Mỹ bắt buộc phải xin thị thực nếu muốn vào nước này - một biện pháp nhằm bảo vệ đất nước trước “sự can thiệp” của Washington.
Những bước đi nêu trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ Mỹ - Venezuela tiếp tục căng thẳng kể từ khi Tổng thống Maduro vào đầu tháng này cáo buộc Washington bắt tay với các nhóm đối lập để tiến hành cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông, trong đó có âm mưu ném bom dinh tổng thống. Phát biểu tại một cuộc tuần hành ở Caracas hôm 28-2, nhà lãnh đạo này cho biết một số công dân Mỹ đã bị bắt giữ vì hoạt động gián điệp ở những thị trấn dọc bờ biển Venezuela, trong đó có 1 phi công. Đáp lại, một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin Reuters rằng những cáo buộc Washington dính líu đến hoạt động phá hoại chính phủ Venezuela là vô căn cứ và không đúng sự thật.
Bình luận (0)