Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 9-3 kêu gọi quốc hội nước này trao thêm quyền lực để “chống chủ nghĩa đế quốc” ngay sau khi Washington tuyên bố Caracas là mối đe dọa an ninh và áp dụng các biện pháp trừng phạt 7 quan chức cấp cao Venezuela. Caracas đã triệu hồi Đại biện lâm thời tại Washington Maximilien Arvelaiz về nước để tham vấn khẩn, đồng thời tuyên bố sẽ sớm đáp trả động thái “mang tính can thiệp vào công việc nội bộ nước này của Mỹ”.
Chính quyền Obama tuyên bố cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản của 7 quan chức nói trên vì “vi phạm nhân quyền và có hành vi tham nhũng công khai”. Tuy nhiên, ông Maduro gọi đó là những người anh hùng “vinh dự khi được đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ”. Thậm chí, Tổng thống Maduro còn bổ nhiệm một trong những quan chức bị trừng phạt - người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia - ông Gustavo Gonzalez, làm Bộ trưởng Nội vụ mới. Đáng chú ý, trong danh sách trừng phạt còn có công tố viên Katherine Nayarith Haringhton Padron, người đã buộc tội Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma âm mưu đảo chính.
Nhà Trắng cho biết quyết định trừng phạt là hành động đáp trả đối với “mối đe dọa bất thường từ quốc gia Nam Mỹ này đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”. Theo phân tích của báo Guardian, việc liệt Caracas vào danh sách đe dọa an ninh quốc gia đối với Washington chính là bước đầu tiến tới áp đặt các biện pháp trừng phạt lớn hơn nhằm vào Venezuela - đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và là một trong những nhà cung cấp chính cho Mỹ. Căng thẳng này là diễn biến mới nhất trong chuỗi các hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Venezuela gần đây. Trước đó vài ngày, Caracas đã yêu cầu Washington rút 83 nhân viên ngoại giao về nước.
Ngoài Venezuela, chính quyền Tổng thống Obama còn đối mặt một vấn đề ngoại giao không kém phần đau đầu khác liên quan tới bức thư gửi chính phủ Iran có chữ ký của 47 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong đó có những ứng viên tiềm tàng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nội dung bức thư cảnh báo dù Washington và Tehran có được thỏa thuận hạt nhân đang theo đuổi thì nó vẫn không còn hiệu lực khi ông Obama rời Nhà Trắng sau hơn 1 năm nữa. Ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức chỉ trích bức thư trên là một sự mỉa mai trong khi thượng nghị sĩ Harry Reid, thủ lĩnh của phe Dân chủ tại thượng viện, gọi bức thư là “sự nhỏ nhen và cố chấp” của Đảng Cộng hòa, làm cản trở tiến trình đàm phán ngoại giao. Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest, bức thư nhằm làm “suy yếu khả năng của tổng thống trong việc thực hiện các chính sách ngoại giao và lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới”.
Bình luận (0)