“Xì-căng-đan tham nhũng trong chính phủ”, “Bắt giam một trong những bộ trưởng chủ chốt của chính phủ Medvedev”... là những tiêu đề tin tức nổi bật trên báo chí Nga gần đây.
Vụ tham nhũng lớn nhất năm
Cả nước Nga đã chấn động sau sự kiện Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukayev, 60 tuổi, bị bắt đêm 14-11 ngay khi người ta giao cho ông 2 triệu USD. Theo Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, số tiền này là khoản hối lộ để giúp Công ty Dầu Rosneft mua cổ phần của Bashneft.
Dư luận đánh giá đây là vụ án tham nhũng lớn nhất năm 2016 ở Nga khi một quan chức cấp cao bị bắt vì nhận khoản tiền hối lộ cực lớn. Theo hãng tin Tass, đây là lần đầu tiên một vị bộ trưởng Liên bang Nga thời hiện đại bị bắt giữ.
Trong thời gian chịu trách nhiệm về khối kinh tế trong nội các của Thủ tướng Dmitry Medvedev, ông Ulyukayev đã không ít lần lọt vào tầm ngắm của báo chí. Theo báo Dni.ru (Nga), vị quan chức cao cấp này đã dính líu đến những vụ tai tiếng được đánh giá là bậc nhất ở Nga.
Mùa Xuân 2016, khi báo chí phương Tây thổi phồng điều gọi là “xì-căng-đan hải ngoại”, tên ông Ulyukayev được đưa vào “danh sách bị trừng phạt”. Khi đó, vị bộ trưởng Nga đã công khai bác bỏ thông tin về mối liên hệ của ông với các công ty ở ngoài nước.
Trước đó, báo chí quốc tế đã công bố tài liệu cuộc điều tra liên quan đến tài sản ở nước ngoài của những nhân vật có ảnh hưởng trên khắp thế giới. Theo dữ liệu này, con trai ông Ulyukayev với người vợ trước - tên Dmitry - là chủ sở hữu Công ty Ronnieville Ltd ở quần đảo Virgin - Anh tại vùng biển Caribbe hồi tháng 11-2004. Đây không phải hành vi vi phạm pháp luật nhưng báo giới chú ý đến chi tiết vào thời điểm đó, Dmitry chỉ mới 21 tuổi trong khi ông Ulyukayev đang nắm giữ chức vụ Phó Thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga.
Sau đó, năm 2006, một phụ nữ tên Yulia Khryapina đã thay thế Dmitry Ulyukayev ở vị trí giám đốc Công ty Ronnieville. Bà đứng đầu công ty trong 3 năm, cho đến tận khi doanh nghiệp này đóng cửa vào tháng 5-2009. Cánh nhà báo đã khai thác chi tiết bà Khryapina chính là người vợ thứ hai của ông Ulyukayev.
Thoạt đầu, khi chưa nắm rõ thông tin về cá nhân Ulyukayev, các nhà báo đã phải tìm kiếm nét tương đồng nhất định giữa bức ảnh trong bản sao hộ chiếu của bà Khryapina - trong “Hồ sơ Panama” của Công ty Luật Mossack Fonseca - và người phụ nữ trong ảnh chụp gia đình ông đăng trên mạng. Người ta còn phát hiện bà Khryapina sinh ở Crimea trong khi ông Ulyukayev từng khai trong bản báo cáo thu nhập rằng vợ mình đứng tên chủ sở hữu bất động sản tại đây, gồm 5 khoảnh đất và 2 ngôi nhà.
Ngoài ra, các tác giả cuộc điều tra còn chú ý đến chi tiết bà Yulia Sergeyevna Khryapina được ghi nhận là nhân viên khoa học của Viện Gaidar, nơi ông Ulyukayev đã làm việc đến năm 2000. Trong khi đó, theo báo RBC, website của Gaidar không liệt kê nữ nhân viên nào có tên như vậy nhưng thông tin về bà ta vẫn được lưu giữ trên công cụ tìm kiếm Google và địa chỉ viện này.
Bất tuân thượng lệnh
Tháng 3-2016, có tin người đứng đầu Bộ Phát triển Kinh tế Nga gặp gỡ Đại sứ Mỹ ở Nga John Tefft, bàn bạc các vấn đề tư nhân hóa, lệnh trừng phạt chống Nga và sự hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Khi ấy, ông Ulyukayev thông báo với báo chí rằng cuộc đối thoại đã đề cập khả năng các ngân hàng Mỹ tham gia tổ chức tiến trình tư nhân hóa ở Nga và tổ chức việc phát hành trái phiếu quốc tế của nước này. Trước đó, ông Ulyukayev từng tuyên bố các nước phương Tây muốn tổ chức công cuộc tư nhân hóa các công ty nhà nước của Nga.
Theo ý kiến của người đứng đầu Bộ Phát triển Kinh tế Nga và những người ủng hộ kế hoạch “đại tư nhân hóa”, chương trình này là cần thiết để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách. Cụ thể, chính phủ Nga dự trù sẽ thu lợi được 700-800 tỉ rúp từ công cuộc tư nhân hóa, trong đó có gần 300 tỉ rúp từ việc bán gói cổ phiếu kiểm soát của Công ty Bashneft, Tập đoàn Kim cương Alrosa và Công ty Dầu Rosneft.
Điều đáng nói là tất cả động thái và kế hoạch của ông Ulyukayev diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu không bán các gói cổ phần nhà nước với bất cứ giá nào. Người đứng đầu nước Nga lưu ý rằng các gói cổ phiếu kiểm soát của các công ty nhà nước then chốt phải nằm trong tay nhà nước.
Như thế, có thể nói vị tư lệnh về kinh tế Nga không nghe theo ý kiến của tổng thống và tiếp tục đi theo đường lối của mình. Gần đây, tại Diễn đàn “Nước Nga gọi” hồi tháng 10-2016, Tổng thống Putin tuyên bố ông kinh ngạc trước quyết định của chính phủ về việc bán cổ phần của Bashneft.
Hãng tin Interfax trích dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho rằng việc Tổng thống Putin cách chức bộ trưởng đối với ông Ulyukayev có liên quan đến chuyện mất lòng tin. Còn Thủ tướng Medvedev, tại phiên họp chính phủ được triệu tập bất ngờ sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch, bình luận: “Đây là một sự kiện nặng nề đối với cả chính quyền và chính phủ. Chuyện xảy ra nằm ngoài sự hiểu biết của tôi”. Theo ông, Tổng thống Putin cũng có ý kiến như vậy.
Quan chức thô lỗ
Một trong những xì-căng-đan ồn ào liên quan đến ông Ulyukayev mà dư luận biết đến rộng rãi đã xảy ra cách đây 10 năm ở Sochi, trên máy bay Il-86. Khi đó, chuyến bay của hãng Aeroflot đi Moscow với gần 350 hành khách đã bị hủy bỏ. Ngay khi mọi người chờ đợi máy bay cất cánh, phi hành đoàn đã yêu cầu họ rời khỏi máy bay: “Chuyến bay bị hoãn liên quan đến hành vi thô lỗ của một quan chức cao cấp”.
Cụ thể, ông Ulyukayev - lúc đó là phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - trở về cùng với vợ sau khi tham gia Diễn đàn Kinh tế Kuban - 2006. Do vợ mình không có chỗ ở hạng thương gia nên ông Ulyukayev đã trực tiếp gặp cơ trưởng để yêu cầu chuyển bà ta lên khoang hạng này. Sau khi tiếp xúc vị hành khách là quan chức cao cấp, cơ trưởng tuyên bố: “Hoặc ông Ulyukayev xuống máy bay hoặc không ai bay đi đâu cả”. Ông Ulyukayev không chấp nhận yêu cầu của cơ trưởng và hậu quả là mọi hành khách buộc phải rời khỏi máy bay, trở lại nhà ga...
Kỳ tới: 25 năm quyền thế
Bình luận (0)