Mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài nằm trong một chiến dịch lớn hơn của nền kinh tế Trung Quốc trên con đường tìm kiếm quyền lực toàn cầu, bao gồm bành trướng quân sự, tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài, tích trữ tài nguyên và đặt dấu ấn vào các luật lệ, tiêu chuẩn quốc tế.
Dùng tiền mua ảnh hưởng
Theo báo Washington Post, trong nỗ lực còn được gọi là nối dài cánh tay quyền lực mềm, Bắc Kinh đang kết hợp táo bạo giữa những ưu đãi kinh tế với đòi hỏi về chính trị. Cách họ xử lý quan hệ với Thượng nghị sĩ Steve Daines của bang Montana - Mỹ mà truyền thông nước này lan truyền hồi giữa tháng 12-2017 được cho là một trong những trường hợp điển hình.
Chưa đầy 1 tháng sau khi phấn khởi thông báo hợp đồng xuất bán lượng thịt bò trị giá 200 triệu USD cho một nhà bán lẻ hàng đầu Trung Quốc, vị nghị sĩ vốn là doanh nhân này bắt đầu thấm thía rằng với Trung Quốc, hợp đồng mua bán thịt bò không phải chỉ liên quan tới... thịt bò. Ông Daines nhận được yêu cầu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tiếp đón một phái đoàn các quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Tây Tạng tới thăm Washington. Chuyến thăm "vô tình" diễn ra cùng lúc lãnh đạo Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay cũng tới Mỹ để gặp các nhà lập pháp nước này và cộng đồng người Tây Tạng ở đây.
Màn trình diễn của Viện Khổng Tử tại TP Indianapolis, bang Indiana - Mỹ trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố năm 2011 Ảnh: PRI
Đáng chú ý hơn, cuộc tiếp đón do ông Daines chủ trì diễn ra một ngày trước khi Tiểu ban Các vấn đề đối ngoại châu Á của Hạ viện Mỹ tổ chức một cuộc điều trần về Tây Tạng. Sau cuộc gặp, trang China Daily của Trung Quốc loan tin các thượng nghị sĩ chủ nhà đã ca tụng giới chức Trung Quốc tại Tây Tạng "làm tốt công việc bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa truyền thống".
Trường hợp nêu trên được cho là lát cắt cụ thể của chiến lược tranh thủ chính khách phương Tây của Trung Quốc nhằm dập tắt các chỉ trích nhằm vào những vấn đề nhạy cảm liên quan tới nước này. Ông Derek Mitchell, cựu Đại sứ Mỹ tại Myanmar, cho rằng bằng việc đỡ đần cho Trung Quốc dập tắt những chỉ trích ở Washington, hành động của ông Daines đã "ghi điểm" cho chiến dịch mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. "Điều đó củng cố niềm tin của người Trung Quốc rằng bất kỳ người nào cũng có thể mua được…" - ông Mitchell nhấn mạnh.
Mờ ám
Úc, New Zealand và Canada gần đây cũng rúng động vì những tiết lộ về các nỗ lực của Trung Quốc hòng "mua chuộc" các chính trị gia, các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Trong khi đó, ngày 13-12-2017, Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã tổ chức một buổi điều trần có chủ đề "Cánh tay nối dài của Trung Quốc" để phơi bày các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành ảnh hưởng chính trị, kiểm soát các cuộc thảo luận về những chủ đề nhạy cảm, can thiệp vào các tổ chức đa phương, đe dọa nhà hoạt động nhân quyền, kiểm duyệt sách vở của nhà xuất bản nước ngoài và tác động vào trường đại học, viện nghiên cứu.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đồng chủ tịch CECC lúc bấy giờ, cảnh báo nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động tới chính sách và các quyền tự do cơ bản của Mỹ lan rộng hơn nhiều so với những gì người ta nhận ra. Đó là một nỗ lực toàn diện không chỉ đơn giản để tìm cách phô diễn một bộ mặt sáng sủa hơn của Trung Quốc mà còn nhằm vào chính người Mỹ trong lòng nước Mỹ. Ông Rubio chỉ rõ Viện Khổng Tử do Chính phủ Trung Quốc mở tại các trường đại học ở Mỹ hoạt động theo những hợp đồng mờ ám và thường bị cáo buộc can thiệp vào các hoạt động giảng dạy có liên quan đến Trung Quốc.
Nhiều nghị sĩ khác của Mỹ cũng kêu gọi phải xem xét kỹ lưỡng hoạt động tài trợ của Bắc Kinh cho các nghiên cứu của các viện chiến lược, tổ chức học thuật và hợp tác trí tuệ.
Trang Foreign Policy hồi năm ngoái đã đăng tải bài viết tiết lộ chi tiết việc cựu trưởng đặc khu kinh tế Hồng Kông Đổng Kiến Hoa chi tiền tài trợ các công trình nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS) của ĐH John Hopkins, Viện Brookings và các cơ quan khác của Mỹ. Hoạt động tài trợ này diễn ra thông qua Quỹ Trao đổi Trung - Mỹ (CUSEF) của ông Đổng, vốn đang là Phó Chủ tịch Hội nghị Cố vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc - cơ quan có nhiệm vụ thúc đẩy tuyên truyền về Trung Quốc ở nước ngoài.
Những tổ chức "trót" nhận tài trợ của Trung Quốc thường quả quyết rằng tính độc lập về học thuật của họ không hề sứt mẻ nhưng Bắc Kinh thực tế đã ít nhiều đạt được mục đích từ khai thác nhu cầu tiền bạc bức thiết của các tổ chức đó. Các nhà nghiên cứu hiểu rằng con đường tiếp cận Trung Quốc phụ thuộc vào sự biết điều của họ. Còn các nhà xuất bản đồng ý xóa những bài viết chỉ trích Trung Quốc khỏi các ấn phẩm để tiếp cận thị trường nước này.
Cuộc chiến toàn cầu mới
Chính quyền Canberra - Úc đang thúc đẩy một dự luật về việc ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài dự kiến sẽ được quốc hội bỏ phiếu trong tháng 5-2018.
Chính trường Úc bắt đầu dậy sóng sau tiết lộ động trời rằng phần lớn các khoản tài trợ nước ngoài cho các đảng chính trị đến từ Bắc Kinh. Một nghị sĩ Công Đảng Úc (ALP) được cho là đã đi ngược lại lập trường của đảng mình về vấn đề biển Đông để đưa ra những phát ngôn hùa với Trung Quốc sau khi bị một nhà tài trợ nước này đe dọa sẽ cắt giảm hỗ trợ tài chính!
Tại New Zealand, hồi tháng 9-2017, học giả Anne-Marie Brady đã vạch trần những nỗ lực của Bắc Kinh như tung các chiến thuật bao gồm cố gắng kiểm soát các tổ chức đại diện cho cộng đồng người Hoa ở New Zealand, tài trợ tiền cho các chính trị gia và các cơ sở giáo dục. Đáng chú ý, nhà lập pháp Yang Jian của nước này bị tố có thể đã liên kết với tình báo quân sự Trung Quốc.
Theo nữ học giả Brady, sau công bố nói trên, văn phòng của cô đã bị đột nhập. Ba laptop, 2 điện thoại di động cùng một thẻ nhớ từ chuyến đi gần nhất của cô tới Trung Quốc đã bị lấy mất. Ngoài ra, cô còn nhận được những lá thư nặc danh đe dọa tấn công. Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Brady hồi đầu tuần này, đồng thời lên tiếng cảnh báo quyết liệt về vấn đề can thiệp của Trung Quốc tới cả New Zealand và Úc, nói rằng một cuộc chiến toàn cầu mới đang bắt đầu.
Kỳ tới: "Quả bom nợ" 10 tỉ USD trên vịnh Bengal
Bình luận (0)