Nạn nhân trong vụ tế thần này là một cô bé 15 tuổi tên Manju Kumari. Theo lời khai của Kamalar, ông ta cùng vợ, con gái và 3 kẻ tòng phạm khác hùa nhau bịt miệng Manju, ghì chặt em xuống sàn đất nung trước nơi linh thiêng. Theo nghi lễ, Karmakar vẩy tàn nhang lên người Manju, lột hết quần áo em rưới nước sông Hằng và chà xát mỡ nấu ăn lên người em rồi bắt đầu hát những câu thần chú chúc tụng nữ thần Kali. Sau đó, ông ta lần lượt chặt từng bộ phận cơ thể của nạn nhân và đặt chúng trước một tấm ảnh vẽ nữ thần Kali.
Từ trước đến nay, giết người tế thần vẫn luôn là một tập tục khác thường ở Ấn Độ. Mặc dù cách đây 200 năm ngày nào cũng có một cậu bé trai bị giết tại một ngôi đền thờ nữ thần Kali ở thành phố Calcutta, những hình thức thờ cúng đẫm máu như vậy là chống lại tinh thần đạo Hindu nhân từ vốn ca tụng việc ăn chay. Tuy nhiên, với nữ thần Kali lại là chuyện khác. Theo thần thoại Ấn Độ, Kali là một nữ thần chuyên tiêu diệt ác quỷ và được mô tả như là vị thần khát máu. Theo niềm tin của những tín đồ sùng đạo - gọi là tantric - nữ thần Kali mang đến tài sản cho người nghèo, trả thù cho những người bị đàn áp hay mang lại tin vui cho những người chưa có con.
Tuy nhiên, với các hình phạt nghiêm khắc mà pháp luật Ấn Độ dành cho tội sát nhân, con người không còn được dùng làm vật tế thần nữa. Hầu hết các ngôi đền thờ nữ thần Kali hiện nay đều sử dụng các quả bí ngô to làm vật tế thần; những tín đồ khác thì cắt cổ hình nộm cao hai mét làm từ bột hay cắt cổ dê. Mặc dù vậy, gần như tháng nào trong năm nay cũng xảy ra vụ án giết người để tế thần. Vào tháng 1 năm nay, một bà mẹ 24 tuổi ở bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) đã giết đứa con 3 tuổi của mình sau khi một phù thủy hứa sẽ mang lại sự giàu có vô tận cho bà. Tháng sau, 2 người đàn ông ở bang Tripura (miền Đông Ấn Độ) giết một phụ nữ khi làm theo những hướng dẫn của một vị thần mà theo lời họ đã xuất hiện trong giấc mơ hứa chỉ cho họ những kho báu bí mật. Còn cô bé Manju bị tế sống tại ngôi làng Atapur ở bang Jharkhand vào tháng 4.
Các nhà xã hội học cho rằng sự quay lại của tục giết người tế thần và phù thủy trong xã hội Ấn Độ xuất phát từ lòng tham của con người. Nhà xã hội học Ashis Nandy lý giải: “Những người thực hiện việc hiến tế người chỉ vì họ cảm thấy ganh với những người quanh mình vốn giàu có hơn, ở vị trí và đẳng cấp cao hơn”. Chuyên gia nghiên cứu về huyền bí Roy Chakaraverti nói thêm: “Việc tế thần thực ra không liên quan gì đến thuyết thần bí hay thuyết duy linh mà đơn giản chỉ xuất phát từ lòng tham không đáy của con người”.
Bình luận (0)