Trước đó cùng ngày, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố, làm mất ổn định khu vực.
1. Nguyên nhân gây rạn nứt ngoại giao?
Theo trang Bloomberg, nguyên nhân chủ yếu – dù không phải tất cả - là Iran. "Đám cháy" lần này khơi lên sau khi có tin hãng thống tấn nhà nước Qatar đăng tải những bình luận của nhà lãnh đạo nước này, ông Tamim bin Hamad Al Thani, về việc chỉ trích tâm lý chống Iran đang tăng trong khu vực.
Phía Qatar nhanh chóng xóa bỏ thông tin, đổ lỗi cho tin tặc và kêu gọi bình tĩnh. Tuy nhiên, báo chí Ả Rập Saudi và UAE thêm tức giận sau khi ông Tamim điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cuối tuần rồi.
Qatar lọt thỏm giữa các nước láng giềng. Ảnh: Bloomberg
2. Đây có phải là mâu thuẫn giữa Sunni và Shiite?
Câu trả lời, theo Bloomberg, là "một phần". Phía Hồi giáo Shiite (dẫn đầu bởi Iran) và Hồi giáo Sunni (dẫn đầu bởi Ả Rập Saudi) đối đầu trong mọi cuộc xung đột ở khu vực, từ Syria đến Iraq.
Trong thông báo cắt đứt ngoại giao, Ả Rập Saudi cáo buộc Qatar ủng hộ "các nhóm khủng bố gồm Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda" cũng như "các nhóm khủng bố được Iran chống lưng hoạt động tại miền Đông Ả Rập Saudi và Bahrain".
3. Tại sao vụ việc xảy ra lúc này?
Mâu thuẫn leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Ả Rập Saudi và Vua Salman chỉ đích danh Iran là "nước tài trợ khủng bố chính trên thế giới".
Từ sau chuyến thăm này, dường như Ả Rập Saudi và UAE muốn nghiền nát bất cứ sự ủng hộ nào dành cho Iran tại Trung Đông. Hai "đại gia" này liên tục thúc ép Qatar dừng hỗ trợ các phong trào như Anh em Hồi giáo và nhóm Hamas của Palestine.
4. Iran nói gì?
Vốn theo đường lối ôn hòa, Tổng thống Iran Rouhani nói nước ông sẵn sàng đối thoại để giải quyết khủng hoảng ngoại giao.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Ả Rập Saudi sẽ đối mặt lụn bại vì chính sách ở Yemen. Từ năm 2015 đến nay, Ả Rập Saudi dẫn đầu liên quân can thiệp vào Yemen để đánh phiến quân Houthi trung thành với Iran.
Doha nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters
5. Bất đồng với Qatar có gì mới mẻ?
Năm 2014, Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain từng rút đại sứ khỏi Qatar trong thời gian ngắn. Tranh cãi lần đó xoay quanh chuyện Qatar ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, đồng thời tiếp đón lãnh đạo của Hamas và Taliban. Các nhà phân tích nói quốc gia tí hon 2,6 triệu dân Qatar đã dám giỡn mặt Ả Rập Saudi.
Tuy nhỏ bé nhưng Qatar là nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người ở đây cũng cao nhất thế giới, với 129.700 USD/người/năm. Qatar sẽ đăng cai World Cup năm 2022 và là nơi đặt trung tâm điều hành bay của quân đội Mỹ trong khu vực. Hiện Qatar có 10.000 quân Mỹ trú đóng.
Tuy mâu thuẫn không mới song "điều thú vị là thời điểm và mức độ áp lực chưa từng thấy" của lần khủng hoảng này, theo ông Mehran Kamrava, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực và quốc tế của Trường ĐH Georgetown (Qatar). Theo ông, Ả Rập Saudi và UAE "không muốn gì ngoài sự phục tùng hoàn toàn từ Qatar".
Qatar phản ứng
Cùng ngày 5-6, Qatar chỉ trích hành động của các láng giềng là "phi lý". "Mục đích của họ đã rõ, đó là muốn đặt Doha vào vòng bảo hộ chính trị. Như vậy là vi phạm chủ quyền Qatar" – trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Qatar.
Doha cũng khẳng định các biện pháp cắt đứt đường không, đường bộ và đường biển với Qatar sẽ không ảnh hưởng đến đời sống của người dân nước này. Qatar có chung biên giới trên bộ với Ả Rập Saudi và chia sẻ vùng biển Vùng Vịnh với Bahrain, UAE.
Bình luận (0)