Các nhà quan sát cho biết Mỹ sẽ đẩy lùi nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đối với các công nghệ mới, vốn được xem là quan trọng trong việc định hình các quy định toàn cầu.
Theo tuyên bố của UNESCO, đề xuất của Mỹ về việc tái gia nhập tổ chức này đã được thông qua hôm 30-6, với đa số trong số 193 quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ.
Tổng Giám đốc Audrey Azoulay cho biết: "Với sự trở lại này, UNESCO sẽ ở một vị thế mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ của mình".
Trụ sở UNESCO ở Paris - Pháp. Ảnh: EPA-EFE
Trung Quốc nằm trong số 10 nước thành viên đã bỏ phiếu chống lại đề nghị này, cùng với Nga, Triều Tiên, Belarus, Iran, Eritrea, Indonesia, Nicaragua, Syria và các đại diện của Palestine, trong khi 132 nước bỏ phiếu ủng hộ.
Theo tờ South China Morning Post, Mỹ sẽ tài trợ số tiền tương đương 22% ngân sách thường xuyên của cơ quan có trụ sở tại Paris này, đồng thời trả dần khoản nợ ước tính 619 triệu USD. Ngân sách hoạt động hằng năm của UNESCO là 534 triệu USD.
Ông John Bass, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về quản lý, hồi tháng 3 cho biết việc Mỹ vắng mặt trong UNESCO đang gây tổn hại cho nước này trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đã đầu tư một khoản tiền lớn vào các tổ chức của Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc, nước nhanh chóng trở thành nhà tài trợ hàng đầu của UNESCO sau khi Mỹ rút khỏi, trước đó đã chỉ trích nỗ lực quay trở lại của Washington khi nói rằng các tổ chức quốc tế không nên bị tận dụng làm "đấu trường cho sự cạnh tranh địa chính trị".
Ông Bart Édes, thành viên tại Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada, cho biết: "Washington đang giành lại một ghế tại UNESCO vì vai trò của tổ chức này trong việc đưa ra các khuyến nghị về AI. Đây là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ."
UNESCO đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các cuộc đối thoại toàn cầu, ban hành tài liệu sơ bộ và tư vấn cho các chính phủ, đồng thời được kỳ vọng sẽ định hình cuộc thảo luận quốc tế về AI.
Vào đầu tháng 6, UNESCO đã công bố tài liệu chính sách thiết lập các tiêu chuẩn về đạo đức AI để giải quyết những lo ngại toàn cầu, đặc biệt là khi ChatGPT của Công ty OpenAI gây bão trên toàn thế giới.
Mặc dù các tài liệu về chính sách của Liên Hiệp Quốc chỉ đơn thuần là tư vấn nhưng chúng thường có "trọng lượng" đáng kể trong việc định hình các chuẩn mực và giá trị toàn cầu, đồng thời cung cấp thông tin cho các quy trình hoạch định chính sách.
Trung Quốc đã tích cực tham gia các tổ chức quốc tế đặt ra tiêu chuẩn cho tất cả công nghệ mới nổi, từ AI đến 5G và Liên Hiệp Quốc ngày càng được xem là "bệ phóng" để Bắc Kinh thực hiện tham vọng toàn cầu của mình.
Bình luận (0)