Theo thống kê của công ty an ninh Kaspersky Lab, Nga là nước có nhiều máy tính bị dính mã độc nhất trong cuộc tấn công mạng toàn cầu kể từ ngày 12-5. Trong khi đó, công ty diệt virus Avast cho hay hơn một nửa trong số 200.000 vụ tấn công mà họ phát hiện đều nhắm vào người dùng mạng của Nga.
"Vụ tấn công cho thấy một đất nước được cho là đứng đầu về mảng an ninh mạng và chiến tranh ảo vẫn có thể bị tấn công bởi những mã ẩn trong các tập tin đính kèm trong thư điện tử thường dùng" - ông Greg Sim, CEO của công ty phần mềm an ninh Glasswall Solutions, nói.
Ngân hàng trung ương Nga thừa nhận các máy tính của họ đã bị tấn công nhưng không có dữ liệu nào bị xâm nhập. Ngay cả công ty đường sắt quốc gia, công ty viễn thông lớn Megafon và Bộ Nội vụ nước này cũng trở thành nạn nhân trong vụ tấn công toàn cầu.
Ngày 15-5, Tổng thống Vladimir Putin mô tả đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhưng chưa gây ra "thiệt hại đáng kể" cho các tổ chức trong nước.
Nga là nạn nhân lớn nhất của mã độc WannaCry. Ảnh: Mirror
Hồi tháng 3 vừa qua, tập đoàn Microsoft đã phát hành một bản vá lỗi nhưng hơn 20% người dùng tại Nga lại không cập nhật hệ điều hành của họ. Theo lời ông Sim, Nga dễ bị tấn công là do họ quá ỷ lại vào các phần mềm chống virus đơn giản. Thay vào đó, các công ty và người dùng nên cập nhật các phần mềm diệt virus hiện đại có khả năng phát hiện những mối đe dọa trong thư điện tử.
Ngoài ra, tình trạng phần mềm lậu tràn lan cũng là một trong những nguyên nhân lớn. Theo số liệu thống kê của tập đoàn công nghiệp The Software Alliance, gần 65% phần mềm tại Nga là hàng lậu. Trong khi đó, con số này ở Mỹ và châu Âu lần lượt là 17% và 29%.
Ông Bogdan Botezatu, một nhà phân tích tại công ty an ninh mạng Bitdefender, cho biết phần lớn những người dùng phần mềm lậu đều tránh cập nhật hệ điều hành để không bị phát hiện. Tuy nhiên, điều này khiến họ dễ trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng hơn.
Một lý do khác khiến phần lớn người dùng mạng tại Nga bị nhắm vào là chính sách ưu tiên phần mềm trong nước. Từ năm 2014, Nga đã cố gắng trở nên bớt phụ thuộc vào các phần mềm nước ngoài sau khi Moscow bị các nước phương Tây trừng phạt vì xung đột ở Ukraine.
Vào năm 2016, chính phủ nước này đã ban hành một nghị định yêu cầu các cơ quan nhà nước và các thành phố ưu tiên sử dụng các phần mềm được phát triển tại Nga.
Bình luận (0)