icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sao triệu phú Mỹ thích làm từ thiện?

THANH GIANG tổng hợp

Việt Nam, Peru, Ấn Độ và Uganda sẽ được Quỹ Từ thiện Bill & Melinda Gates (BMG) tặng 245.000 USD để thực hiện dự án “nghiên cứu yếu tố cần thiết cho việc triển khai tiêm vắc –xin HPV phòng ung thư cổ tử cung”. Hôm 3-4, ông Bill Gates đã ký dự án án này tại Hà Nội. Nước Mỹ không chỉ có Quỹ BMG

Người giàu nhất hành tinh Bill Gates, 52 tuổi, hiện đứng đầu quỹ từ thiện lớn nhất thế giới - Quỹ BMG, lập năm 2000 - sau khi góp vào đấy nhiều tỉ USD. Quỹ này năm 2006 có vốn 33,7 tỉ USD. Qua dự án tiêm chủng phòng dịch, Quỹ BMG đã cứu được 700.000 mạng người tại các nước nghèo. Họ cũng hoàn thành dự án trang bị máy tính và nối mạng cho 11.000 thư viện ở Mỹ. Vợ chồng Bill Gates cùng ca sĩ Bono được tạp chí Time chọn là Nhân vật của năm 2005 chính là do họ có thành tích lớn trong công tác từ thiện.

Truyền thống và mốt thời thượng

Người giàu ở Mỹ có truyền thống làm từ thiện, có thể nói đó là một mốt thời thượng. Tỉ phú dầu lửa J. D. Rockefeller Jr. (1874-1960) có câu nói nổi tiếng “Chết trong giàu sang là cái chết ô nhục”. Bằng việc lập ra Quỹ Rockefeller (năm 1913) với sứ mệnh “Xúc tiến đời sống hạnh phúc của loài người khắp thế giới”, ông và cha mình đã biến Công ty Standard Oil từ một cỗ máy làm giàu lớn nhất thế giới thành một cỗ máy phân phối lòng từ thiện lớn nhất trong lịch sử. Sau thế chiến II, ông hiến khu đất rộng cực kỳ giá trị giữa thành phố New York cho Liên Hiệp Quốc xây trụ sở, nhờ đó chính phủ Mỹ mới thực hiện được lời hứa đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Mỹ. Ông còn bỏ tiền sửa chữa các dãy phố cũ ở New York để cho người nghèo thuê với giá rẻ. Bốn thế hệ nhà Rockefeller đã hiến cả chục tỉ USD (theo thời giá hiện nay) cho mục đích từ thiện. Quỹ Rockefeller hiện có tài sản 3,2 tỉ USD.

Năm 1914, vua ô tô Henry Ford (1863-1947) đưa ra một quyết định làm cả nước Mỹ ngạc nhiên: Nâng lương cơ bản của công nhân trong Công ty Ford Motor từ 2,4 USD cho một ngày làm việc 9 giờ lên 5 USD cho một ngày làm việc 8 giờ. Năm 1936, ông và con trai lập Quỹ Ford, góp vào đấy phần lớn cổ phần của hai người trong Ford Motor, là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới hồi đó; chủ yếu làm các lĩnh vực dân số, thực phẩm, viễn thông, nghệ thuật, môi trường v.v... Quỹ hiện có tài sản 10,6 tỉ USD.

Người ta gọi Henry Ford là người theo chủ nghĩa xã hội. Ông cùng Bill Gates được tạp chí Time chọn là hai nhà công nghiệp tiêu biểu của thế kỷ 20, một đại diện cho công nghiệp chế tạo, một đại diện cho công nghiệp tri thức.

Người giàu thứ hai thế giới là Warren Buffett, 77 tuổi, tháng 6-2006 tuyên bố góp vào Quỹ BMG 10 triệu cổ phần (CP) của ông trong Công ty Berkshire Hathaway (thời giá lúc ấy là 30,7 tỉ USD) theo cách mỗi năm chuyển cho BMG 5% số CP hiện có. Năm 2006 đã chuyển 500.000 CP hoặc 1,6 tỉ USD, năm 2007 sẽ chuyển 475.000 CP (5% của 9,5 triệu), năm 2008 – 451.250 CP...

Thuế quá nặng

Không thể nói người Mỹ hăng hái làm từ thiện vì họ giàu mà là do họ có truyền thống hào hiệp chia sẻ thành quả lao động của mình – một sự thể hiện tư tưởng yêu tự do dân chủ bình đẳng và thói quen đùm bọc lẫn nhau có từ tổ tiên họ, những người mạo hiểm vượt Đại Tây Dương tới châu Mỹ tìm cuộc sống tự do – cái gọi là truyền thống trong hiểm nghèo.

Sống trên một đất nước của các cơ hội, hầu hết người giàu ở Mỹ đều từ tay trắng làm nên, do đó họ dễ thông cảm với những người không gặp may. Tuy tư tưởng bình đẳng tự do dân chủ rất được sùng bái, song người Mỹ chú trọng bình đẳng về cơ hội chứ không phải là bình đẳng về hưởng thụ. Người Mỹ không có thói quen cho con cháu hưởng toàn bộ gia tài họ làm ra, vì như thế chỉ làm chúng hư hỏng, mất ý chí tự cường tự lập, được coi là nguồn gốc của sự giàu có. Hệ thống luật pháp Mỹ không cho phép làm giàu một cách bất hợp pháp và khuyến khích hoạt động từ thiện.

Thuế cũng là một động lực. Luật thuế thu nhập kiểu lũy tiến yêu cầu người thu nhập cao phải nộp thuế rất nặng. Thu nhập và tài sản của người giàu (và quan chức) đều công khai, tài sản của người đặc biệt giàu thường được công bố trên báo chí, tạo ra sức ép khiến họ không thể thờ ơ với hoạt động từ thiện. Viện Giving thành lập năm 1935 theo dõi hoạt động từ thiện và đưa ra các báo cáo hằng năm về lĩnh vực này. Những việc đó đã thúc đẩy công tác từ thiện

Thuế tài sản đánh vào người giàu có thuế suất cao tới 55% đối với các tài sản lớn, là một hình thức tái phân phối hợp lý của cải xã hội, khiến cho nhiều người không dám thừa kế tài sản lớn (có người gọi là thuế chết, hàm ý bắt người chết nộp thuế). Khi ấy, cách khôn ngoan nhất là cúng tài sản đó cho xã hội. Năm 1999 khoản thu thuế di sản lên tới 30 tỉ USD.

Làm từ thiện có lãi

Một điều thú vị là người làm từ thiện có khi lại lãi to. Khi tặng 1 tỉ USD cho Liên Hiệp Quốc, Ted Turner nói: “Tôi phát hiện thấy là mình càng làm nhiều việc tốt thì càng thu được lắm tiền.” Quả vậy, từ đó tài sản của ông tăng nhanh: riêng việc mua lại American Online đã tăng 3 tỉ USD. Năm 2001, tài sản của Ted lên đến 9 tỉ USD.

Tỉ phú Murdoch tuy đã cúng 10 triệu USD để xây một nhà thờ tại Los Angeles, nhưng số tiền này quá ít nên bị thiên hạ chê cười. Cho nên trước kia ông này giàu hơn Ted nhưng đến năm 2001 thì lại nghèo hơn 1 tỉ USD.

Robert Reich sau vài lần góp tiền làm từ thiện thấy tiền lại quay về, vì người ta cảm tình hơn với ông. Tên ông được ghi trên cổng Trung tâm Khoa học Los Angeles, ai đi qua cũng thấy. Nhờ cúng tiền cho nghiên cứu ung thư, ông là người đầu tiên được một công ty dược phẩm mời đầu tư. Lúc đầu ông chỉ góp 1 triệu USD, nay đã tăng 7 lần. Sau khi công ty ấy tham gia thị trường chứng khoán, ông lãi 30 triệu USD. Reich tổng kết: Mỗi 1 USD bỏ vào làm từ thiện có thể thu lại 1,2 ~ 2 USD.

Mỗi năm trên 260 tỉ USD

Hoạt động từ thiện ở nước Mỹ có quy mô rất lớn. Bên cạnh nền kinh tế thị trường chạy theo lợi nhuận, ở nước này còn tồn tại một nền kinh tế phi lợi nhuận trị giá khoảng 8% GDP, chuyên làm hoạt động từ thiện trong và ngoài nước, sử dụng gần 10% lực lượng lao động, tức hơn cả tổng số công chức trong chính quyền Mỹ.

Theo tổ chức Giving, năm 1997 người Mỹ đã quyên góp 143 tỉ USD cho công tác từ thiện. Con số này năm 2004 đã lên tới 248,52 tỉ USD, năm 2005 = 260,28 tỉ USD, tức hơn 2% GDP nước Mỹ; nếu chia đều thì mỗi người Mỹ được ngót 900 USD, hơn cả GDP bình quân đầu người Việt Nam!

Đáng chú ý là hơn 3/4 số tiền nói trên do các cá nhân quyên góp – năm 1997 bằng 109 tỉ, 2004 – 188 tỉ, 2005 – 199 tỉ USD; phần còn lại do các đoàn thể, công ty góp. Lĩnh vực nhận nhiều tiền quyên góp nhất là tôn giáo – hơn 88 tỉ USD, thứ nhì là giáo dục – 34 tỉ USD (năm 2004).

Nước Mỹ có 121 quỹ từ thiện lớn, với tổng vốn bằng 126 tỉ USD (số liệu 1997). Riêng quỹ cỡ vốn trên 1 tỉ USD đã có 15 quỹ, với tổng số vốn lên tới 116,7 tỉ USD (2004), tương đương GDP của một quốc gia; trong đó 4 quỹ có trên 10 tỉ USD (Bill & Melinda Gates Foundation, Howard Hughes Medical Institute, Lilly Endowment, Ford Foundation).

Trong khi đó, các nước giàu khác như CHLB Đức chỉ có 4 quỹ với tổng số vốn bằng 14,1 tỉ USD, Anh – 22,6 tỉ USD.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo