Bệnh viện trên khắp Iraq ghi nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến, với hàng ngàn trường hợp mắc những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hô hấp. Cùng lúc, trường học và văn phòng buộc phải đóng cửa trong khi các chuyến bay liên tục bị hoãn trong nhiều ngày.
"Tôi không thể ra khỏi nhà mà không bị ho hoặc không che miệng" – nhà sáng lập Azzam Alwash của tổ chức môi trường Nature Iraq, chia sẻ với Reuters.
Ông Alwash cho biết thêm trận bão cát gần nhất buộc ông phải ở trong nhà suốt 2 ngày. Là một người mắc hen suyễn, ông phải ở trong nhà để bảo vệ phổi của mình.
Iraq, Iran, Syria và các quốc gia vùng Vịnh vốn không xa lạ với các trận bão cát và bụi (SDS) trong những tháng nóng nực (từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm) khi gió Tây Bắc mang theo một lượng bụi lớn đến khu vực.
Bụi bao trùm TP Baghdad - Iraq hôm 3-7. Ảnh: Reuters
Nhưng những ngày qua, SDS xảy ra sớm hơn và thường xuyên hơn so với mức thông thường 1 hoặc 2 lần/năm. SDS năm nay bắt đầu từ đầu tháng 3 và lan rộng trên một khu vực rộng lớn hơn.
Theo giới chuyên gia, nhiệt độ gia tăng trong lúc thời tiết biến đổi đang báo hiệu điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra, trừ khi các chính phủ có thể làm việc cùng nhau để cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu, cũng như giảm thiểu tác động sức khỏe và tài chính của SDS.
Vì sao Trung Đông liên tục “tê liệt” những tháng qua?
Di chuyển hàng ngàn km, mỗi đợt SDS có thể gây tổn thất nặng nề cho hàng chục quốc gia. Chúng có thể phá hủy nhà cửa, hệ thống điện cùng những cơ sở hạ tầng quan trọng khác; giết chết cây trồng, giảm tầm nhìn của tài xế và làm gián đoạn hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không, đường sắt lẫn đường biển, theo một báo cáo vào năm 2019 của Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo cho biết thêm Trung Đông và Bắc Phi mỗi năm tổn thất khoảng 13 tỉ USD vì thiệt hại từ SDS.
Ảnh chụp trên sông Tigris, TP Baghdad - Iraq hôm 3-7. Ảnh: AP
Ông Erik Solheim, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2016-2018, cho biết quan hệ chính trị căng thẳng giữa các nước trong khu vực, kể cả những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã cản trở các cuộc đàm phán về cách giải quyết vấn đề.
Dù vậy, một số quốc gia đã triển khai những nỗ lực cá nhân nhằm ứng phó SDS. Ả Rập Saudi đã cam kết trồng 10 tỉ cây xanh trong biên giới của họ, với mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và đảo ngược suy thoái đất.
Cây xanh có thể hồi sinh những vùng đất khô cằn bằng cách giữ nhiều nước mưa hơn trong lòng đất và làm chậm quá trình nước bốc hơi khỏi lòng đất. Rễ của chúng còn có thể giúp kết dính đất và ngăn ngừa xói mòn.
Tài xế di chuyển trong một trận bão cát ở Kuwait hồi tháng 5. Ảnh: Kuwait Times
Bình luận (0)