Cuối năm 2001, Richard Reid - một thành viên người Anh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda do Osama bin Laden cầm đầu – bị bắt về tội âm mưu làm cháy nổ một chiếc máy bay Mỹ với chất nổ hỗn hợp giấu trong giày, trong đó có chất nổ lỏng.
Năm năm sau, 8 tín đồ Hồi giáo cực đoan mang quốc tịch Anh lên kế hoạch dùng bom tự chế dưới dạng nước giải khát để làm nổ ít nhất trong 10 chuyến bay của ba hãng máy bay Mỹ trên không phận Đại Tây Dương. Họ đã bị bắt trước khi hành động.
Con nhà giàu, khó dạy
Gần đây nhất, ngày 25-12, trên chuyến bay 253 của hãng máy bay Mỹ Northwest Airlines từ Amsterdam (Hà Lan) đến Detroit (Mỹ), một kỹ sư Nigeria trẻ giấu chất nổ trong người rồi dùng bơm tiêm chất lỏng kích hoạt gây một đám cháy nhỏ, bị hành khách phát giác và khống chế. Âm mưu bất thành này có khá nhiều nghi vấn.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hung thủ là Umar Farouk Abdulmutallab, 23 tuổi. Alhaji Umaru Mutallab, cha của Umar, 70 tuổi, nguyên là bộ trưởng kinh tế, chủ tịch hội đồng quản trị First Bank of Nigeria mới nghỉ hưu hồi tháng rồi và sáng lập viên ngân hàng Jaiz International, ngân hàng Hồi giáo đầu tiên ở Nigeria.
Như phần lớn con cái nhà giàu ở Nigeria, Umar du học tại Anh, tốt nghiệp bằng kỹ sư cơ khí tại trường đại học danh giá College London năm 2008. Nhưng đồng tiền của gia đình không thể biến Umar thành một đứa con ngoan.
Theo nhật báo Nigeria This Day, Umar thường xung đột với các thành viên trong gia đình – anh là con của bà vợ hai và là một trong 16 người con của ông Umaru – do tư tưởng tôn giáo rất cực đoan.
Tháng 11-2008, Umar cắt đứt quan hệ với gia đình, tuyên bố rời khỏi London để lập nghiệp ở Yemen, một nước Ả Rập. Tháng 5 vừa rồi, Umar xin visa du học 6 tháng ở London nhưng bị từ chối vì “trường mà Umar xin đăng ký học không có thật” (?).
Sót tên
Sợ con gây họa, tháng 8 vừa qua, cha của Umar đã báo động với tòa đại sứ Mỹ ở Abuja, thủ đô nước Cộng hòa Liên bang Nigeria, về tư tưởng cực đoan của con trai mình. Thật ra, theo nhật báo Anh The Independent, cách đây 2 năm, người Mỹ đã nghi ngờ Umar có quan hệ với các tổ chức khủng bố.
Nhưng theo nhật báo Mỹ The New York Times, cái tên Umar Farouk Abdulmutallab chỉ được bổ sung vào cơ sở dữ liệu về khủng bố (TIDE) của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ (USNCC) hồi tháng 11 rồi, cụ thể là bản “danh sách đen” bao gồm 564.000 người tình nghi tiếp xúc hoặc có quan hệ với các tổ chức khủng bố (thật ra chỉ có 500.000 người, nhưng do nhiều người dùng bí danh nên tăng thêm 64.000 cái tên).
Bản danh sách nói trên được chia ra nhiều bản danh sách phụ, trong đó có bản danh sách “No - Flight List” (danh sách cấm bay) nổi tiếng với khoảng 4.000 tên. Nếu bản danh sách chính có tên Umar thì trong bản danh sách phụ lại sót tên.
Laura Rozen, một chuyên gia về khủng bố, thắc mắc trên tạp chí Politico: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao một người có tên trong danh sách TIDE hồi tháng 11, từng đến Yemen (một trong những nước có nhiều tín đồ Hồi giáo cực đoan theo Al-Qaeda), lại được cấp visa nhập cảnh Mỹ”.
Cậu ấm Umar Farouk Abdulmutallab từng ở trong một căn hộ trị giá 4 triệu USD tại London. Ảnh: SAHARAREPORTERS.COM
Theo giám đốc cơ quan hàng không dân sự Hà Lan, ngày 16-6-2008, Umar được tòa đại sứ Mỹ ở London cấp visa xuất nhập cảnh nhiều lần và có giá trị đến tháng 6-2010.
Umar vượt qua mọi cổng an ninh (cổng phát hiện kim loại, máy soi hành lý bằng X-quang) của sân bay Schiphol ở Amsterdam trước khi bước lên chiếc máy bay của hãng Northwest Airlines chuyến bay 253 từ Amsterdam đến Detroit. Umar không có va li gửi khoang hành lý của máy bay.
Anh ta chỉ mang một ba lô gọn nhẹ, thật bất thường đối với một du khách có ý định lưu trú ở Detroit đến hai tuần. Nhưng không ai chú ý đến chi tiết này.
Giấu bơm tiêm trong háng
Theo báo chí Anh-Mỹ, Umar giấu chất nổ hỗn hợp có tên là PETN (tên viết tắt của Pentaerythritol tetranitrate) khoảng 80 g trong người kèm theo một cái bơm tiêm.
Chất PETN rất nhạy và có sức công phá lớn, được nhét vào một bao cao su dán chặt vào bên trong đùi bên trái, còn bơm tiêm giấu trong háng. Vì chẳng có mảnh kim loại này (ống tiêm không có kim) trong chất nổ, nên máy soi hay máy quét thông thường không phát hiện được.
Trong trường hợp này chỉ có máy quét cơ thể 3D cho hình ảnh ba chiều trị giá hơn 1 triệu USD mới có thể “nhìn thấy”. Theo hãng tin AP, sân bay Schiphol tuy có máy này nhưng không đưa vào sử dụng, chưa rõ vì sao.
Chất nổ PETN sẽ được kích hoạt nếu được bơm chất lỏng vào (thường thường là nitroglycerine). Umar đã nạp chất lỏng kích nổ vào bơm tiêm đến 20 phút trong buồng vệ sinh của máy bay khi chuyến bay gần kết thúc lộ trình.
Umar quấn khăn choàng trên người khi trở lại ghế ngồi số 19A nằm sát cánh máy bay nơi bố trí thùng xăng với lời giải thích “bị đau bụng”. Khi Umar lấy bơm tiêm đưa chất lỏng vào đùi – nơi giấu chất nổ PETN – thì chất nổ phát cháy tỏa khói chứ không nổ. Do đó, hành khách đã phát hiện và khống chế được hung thủ sau khi dập tắt lửa bằng bình chữa cháy.
Theo chuyên gia chống khủng bố Anh, bà Sally Leivesley, có hai cách giải thích sự cố gây cháy nói trên: Một là do may mắn bởi có một điều rất khó hiểu: Tại sao Umar không kích hoạt chất nổ ngay trong buồng vệ sinh, kín đáo và hiệu quả hơn?
Hai là Umar thao tác sai do trước khi hành động có thể Umar đã uống thuốc an thần cho nên không còn khéo léo. Giả thuyết này là có thể bởi sau khi bị bắt, Umar vẫn không có vẻ gì lo lắng.
Kỳ tới: Chất nổ PETN giấu trong giày
Bình luận (0)