Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra ở Singapore ngày 12-6, mới chỉ là một bước trong quá trình ngoại giao. Một cuộc gặp như thế, dù đình đám thế nào, sẽ không bao giờ giải quyết được một vấn đề phức tạp như chương trình hạt nhân Triều Tiên. Nếu muốn có một thỏa thuận ý nghĩa, ông Trump cần chuẩn bị cho nỗ lực dài hơi phía trước.
Ông chủ Nhà Trắng từng cho rằng chính chiến lược "gây áp lực tối đa" khiến ông Kim Jong-un hoảng sợ và chịu đàm phán, sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân. Kết quả là Bình Nhưỡng đã phản ứng giận dữ và thượng đỉnh Mỹ - Triều suýt sụp đổ. Để thành công, Tổng thống Trump không thể nói ông Kim đã đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ. Với nhà lãnh đạo Mỹ, đây là "viên thuốc" khó nuốt nhưng là một động thái thông minh.
Chân dung nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên một tách cà phê ở TP Jeonju - Hàn Quốc Ảnh: REUTERS
Việc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên cũng cần kiên nhẫn. Ông Trump cần phải xem hội nghị thượng đỉnh sắp tới là một trong những bước đi của quá trình ngoại giao kéo dài và có lúc trồi lúc sụt. Điều kỳ lạ là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới lại không được chuẩn bị chu đáo từ đầu. Vì thế, điều cần làm từ giờ đến khi hội nghị diễn ra là hai bên cần gặp nhau nhiều hơn để tìm kiếm sự đồng thuận nhất định.
Cuối cùng, ông chủ Nhà Trắng nên xác định thỏa thuận tối thiểu với Bình Nhưỡng mà Washington có thể chấp nhận. Điều nhà lãnh đạo này muốn là chương trình hạt nhân Triều Tiên bị dỡ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là mục tiêu bất khả thi bất kể ông Trump có đe dọa hoặc lấy lòng Triều Tiên nhiều đến đâu. Vì thế, ông cần xem xét một thỏa thuận dễ chịu hơn, như đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Tóm lại, ngay cả khi diễn ra, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều gần như chắc chắn không dẫn đến bất kỳ đột phá ngoạn mục nào có thể biến Triều Tiên thành quốc gia phi hạt nhân trong tương lai gần. Thành công nào cũng cần thời gian và kiên nhẫn.
Bình luận (0)