Hôm nay, 10-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ bàn giao Nhà Quốc hội Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Trước đó, ngày 9-8, trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Lào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chủ trì cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai nước.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc không ngừng củng cố và vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; coi đây là quy luật phát triển, có ý nghĩa sống còn và là một trong những nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều nửa đầu năm nay đạt 670 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có 209 dự án tại Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,2 tỉ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư trực tiếp vào Lào. Năm học 2020-2021, Việt Nam đã đón 1.200 sinh viên Lào sang học tập, đưa tổng số lưu học sinh đang ở Việt Nam lên gần 16.100 người.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ngày 9-8. Ảnh: TTXVN
Hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian trao đổi về các biện pháp hỗ trợ nhau giải quyết các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra; đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác trên tất cả lĩnh vực để tận dụng tốt các cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Nhấn mạnh cần tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược liên quan đến an ninh và phát triển mỗi nước, hai bên thống nhất lấy năm 2022 là "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022".
Theo hai nhà lãnh đạo, hợp tác về quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường; song song đó đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp; triển khai tốt các đề án Hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030 và đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng; có các biện pháp đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế song phương; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hai nước; tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút dòng đầu tư từ bên ngoài.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; tăng cường quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Chiều 9-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh và có một số hoạt động quan trọng khác.
Ký kết 14 văn kiện hợp tác Việt - Lào
Sau hội đàm, hai bên đã chứng kiến lễ ký kết và trao 14 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng chống ma túy, tìm kiếm cứu nạn, mua bán điện, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản... Nhân dịp này, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào công trình trường dạy nghề tại tỉnh Khammuane trị giá 5 triệu USD.
Bình luận (0)