Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam đã diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 4-11 tại thủ đô Bangkok - Thái Lan.
Theo TTXVN, lễ chuyển giao diễn ra ngay sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2019, đã trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sự kiện này chính thức xác lập vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam lựa chọn "Gắn kết và chủ động thích ứng" là chủ đề của năm ASEAN 2020.
"Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN; cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại lễ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020Ảnh: TTXVN
Cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia… đang hằng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.
"Với ý nghĩa ấy, chúng tôi lựa chọn "Gắn kết và chủ động thích ứng" là chủ đề của năm ASEAN 2020" - Thủ tướng nêu rõ.
Trước đó, theo TTXVN, vào sáng 4-11, trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần 7.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Mỹ là một trong những đối tác lâu đời nhất của ASEAN. Thủ tướng hoan nghênh những cam kết của Mỹ với ASEAN, mong muốn Mỹ thể hiện trách nhiệm, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tầm quan trọng của biển Đông, trách nhiệm của các nước đối với đường biển huyết mạch của thế giới, với 3.400 tỉ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hằng năm.
Nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về biển Đông được các ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ khẳng định các nước, các bên đều có trách nhiệm đóng góp bảo vệ hòa bình, củng cố ổn định, thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác, cùng nhau xây dựng khu vực biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, các nước ASEAN+3 cũng đứng trước nhiều thách thức. Do vậy, càng cần hợp tác duy trì và thúc đẩy hợp tác đa phương, tự do hóa thương mại, kết nối và nâng cao năng lực tự cường trước các tác động từ bên ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất đẩy mạnh hợp tác kinh tế - tài chính, tăng cường tính hiệu quả và sẵn sàng của Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM) đối với các tình huống giả định khủng hoảng và ngăn ngừa khủng hoảng; nâng cao năng lực cho Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô (AMRO) để đưa ra các khuyến nghị chính sách cần thiết.
Mỹ đánh giá cao lập trường của Việt Nam về biển Đông
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sáng 4-11 đã tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Đặc phái viên Tổng thống, Trưởng đoàn Mỹ dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ.
Ông O’Brien khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề biển Đông cũng như các vấn đề an ninh và kinh tế tại khu vực.
Bình luận (0)