Ngày 22-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) tại Manila - Philippines theo lời mời của Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Diễn đàn có hơn 600 đại biểu tham dự, gồm nhiều học giả uy tín cùng đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới.
Nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh - chính trị khu vực, bao gồm tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và Hoa Đông. Họ đều cho rằng hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết cho hợp tác và phát triển kinh tế.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan ngại của GS Klaus Schwab về “nguy cơ bất ổn đang tăng lên”. Thủ tướng dẫn thực tế tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông đang ngày càng khó lường. “Trên 3/4 khối lượng hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua biển Đông. Bất ổn hay xung đột tại đây sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa to lớn này khiến không chỉ kinh tế khu vực mà cả thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề, thậm chí có thể đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới” - Thủ tướng cảnh báo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á ngày 22-5
Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục làm nóng hội nghị khi thông báo về việc Trung Quốc điều hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ, theo hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái này của Trung Quốc. Nhiều nơi, người dân biểu tình tự phát. Một số người đã vi phạm pháp luật. Sau các biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc của Chính phủ Việt Nam, tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp được hỗ trợ phù hợp và trở lại hoạt động bình thường” - Thủ tướng khẳng định.
Đáng chú ý, phiên đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các doanh nghiệp đã thu hút đông đảo thành viên WEF. Các doanh nghiệp này có cơ hội trao đổi với Thủ tướng về chính sách thu hút đầu tư cũng như tình hình và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Thủ tướng khẳng định với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh sẽ ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Bên lề WEF Đông Á 2014, Thủ tướng đã tiếp Chủ tịch khu vực ASEAN của Công ty Coca-Cola, Chủ tịch HĐQT Công ty Mitsubishi và Chủ tịch Công ty Swiss Re. Thủ tướng lấy làm tiếc trước tình trạng một số kẻ xấu kích động khiến các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của công nhân Việt Nam có tình trạng quá khích, gây thiệt hại tài sản cho một số doanh nghiệp nước ngoài. “Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân viên nước ngoài” - Thủ tướng quả quyết.
Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông!
Trả lời các hãng thông tấn quốc tế bên lề chuyến công du Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự trừ phi bắt buộc phải tự vệ”. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi lẽ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo là thiêng liêng. “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và vùng biển, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” - Thủ tướng dứt khoát.
Về việc Việt Nam có khởi kiện Trung Quốc hay không, Thủ tướng tuyên bố: “Việt Nam đang cân nhắc các phương án tự vệ, kể cả đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế”. Thủ tướng cũng khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác.
Với câu hỏi về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, một mặt Thủ tướng nêu rõ Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, mặt khác Thủ tướng tuyên bố: “Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cực lực phản đối và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia cùng lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Bình luận (0)