Trong đó, tối 8-4 (giờ Hà Nội) đã diễn ra phiên họp trực tuyến cấp bộ trưởng về chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" gắn với Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn (4-4) được LHQ tổ chức hằng năm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị.
Thương vong do bom mìn trên thế giới còn rất cao, với 15.000 - 20.000 trường hợp/năm - theo ghi nhận của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đầu những năm 2000. Số liệu này giảm dần nhưng bắt đầu tăng trở lại trong vài năm gần đây.
Theo Tổ chức NGO Landmine Monitor (có trụ sở tại Thụy Sĩ), số thương vong về bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên thế giới trong các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 3.695, 6.461 và 8.605 trường hợp; trong năm 2019 thương vong xảy ra với người dân chiếm 80%, trong đó các trường hợp trẻ em chiếm 43%.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì phiên họp trực tuyến cấp bộ trưởng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom, mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hiệu quả hơn” Ảnh: TTXVN
Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại từ năm 1964-1975, gấp 4 lần số lượng bom đạn trong chiến tranh Thế giới thứ nhất. Theo điều tra của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) năm 2018, số lượng bom đạn còn sót lại tại Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn tấn, rải rác tại toàn bộ 63 tỉnh, thành.
Nhân dịp này, HĐBA đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của HĐBA do Việt Nam đề xuất đề cập riêng đến khắc phục hậu quả bom, mìn. Văn kiện có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom, mìn với duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Tuyên bố cũng đề cập các nội dung mới quan trọng như tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khuyến khích tăng cường hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng, xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về khắc phục hậu quả bom, mìn trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ…
Bình luận (0)