Ông Sian Fenner, chuyên gia hàng đầu về kinh tế châu Á tại Công ty Oxford Economics (Anh) - chuyên về dự báo và phân tích định lượng, cho biết: "Việt Nam sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng từ sự suy giảm chung của nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nước này sẽ không rơi vào suy thoái".
Các biện pháp hạn chế sớm tại biên giới và giãn cách xã hội đã giúp ngăn số ca Covid-19 tăng mạnh ở Việt Nam.
"Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc chuyển hướng chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chính điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam" - ông Fenner nói.
Banner tuyên truyền chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Ảnh: Lonely Planet
Ông Fenner đưa ra nhận định trên sau khi Việt Nam bắt đầu cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại từ cuối tháng 4-2020.
Vào ngày 4-5, hàng triệu học sinh đã trở lại trường sau 3 tháng ở nhà, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại.
Mặc dù có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc nơi dịch Covid-19 khởi phát, Việt Nam chỉ ghi nhận 271 ca bệnh. Ngoài ra, không xảy ra trường hợp lây nhiễm mới nào trong cộng đồng gần 3 tuần qua.
"Đây rõ ràng là tin tốt cho nền kinh tế Việt Nam" - ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cao cấp châu Á tại Capital Economics - công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế ở Anh - cho biết.
Bình luận (0)