Sáng 7-8, tại thủ đô Jakarta - Indonesia, Đại hội đồng liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 44 (AIPA-44) với chủ đề "Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng" đã chính thức khai mạc. Dẫn đầu đoàn đại biểu quốc hội Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, Chủ tịch AIPA-44, khẳng định chủ đề Đại hội đồng lần này phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia "ASEAN Tầm vóc - Tâm điểm của tăng trưởng".
Bà Puan Maharani đề nghị AIPA-44 tập trung thảo luận các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tiếng nói giải quyết hiệu quả các thách thức hiện nay, trong đó có cạnh tranh nước lớn, khó khăn kinh tế, xóa đói nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ sáu từ trái sang), Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch AIPA 2023 Puan Maharani (thứ năm từ trái sang) cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Ảnh: TTXVN
Trong thông điệp chào mừng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định cam kết của Indonesia với tư cách Chủ tịch ASEAN 2023 là đưa ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng, đồng thời nhấn mạnh vai trò và đóng góp quan trọng của AIPA để hỗ trợ thực hiện cam kết này.
Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất 5 vấn đề quan trọng tới Đại hội đồng AIPA.
Thứ nhất, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm và giá trị chiến lược của ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, duy trì đồng thuận; kiên trì lấy hòa bình làm mục tiêu, đối thoại làm công cụ, hợp tác làm phương châm để giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung và luật pháp quốc tế.
Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác nội khối cả về thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân và chuyển giao công nghệ, hợp tác tài chính và tiền tệ, hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số an toàn và bền vững, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Đồng thời, tăng cường quan hệ ASEAN với các đối tác, ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác tiểu vùng, góp phần bảo đảm tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững…
Thứ ba, nghị viện các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tăng cường giám sát chính phủ các nước ASEAN triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hướng tới Tầm nhìn sau 2025.
Thứ tư, đề nghị AIPA tiếp tục đổi mới, trở thành kênh hợp tác nghị viện có hiệu quả, phối hợp tốt giữa kênh nghị viện và chính phủ các nước, tiếp tục chú trọng tăng cường quan hệ với các đối tác là quan sát viên của AIPA để tạo ra "sức mạnh tập thể". Việt Nam ủng hộ kết nạp nghị viện Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia làm quan sát viên của AIPA.
Thứ năm, tại Đại hội đồng AIPA-44 lần này, Việt Nam đề xuất 3 dự thảo nghị quyết giúp ASEAN khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng để phát triển nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wanmuhamadnoor Matha, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane…
Cam kết tích cực
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi thông điệp tới Đại hội đồng AIPA-44, đánh giá cao và mong rằng AIPA sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN thành công trong thúc đẩy liên kết đa phương, thượng tôn pháp luật, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tham gia tích cực, hiệu quả và có trách nhiệm cao trên mọi diễn đàn.
Bình luận (0)