Từ ngày 16 đến 18-11, tại thủ đô Bangkok - Thái Lan, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022 với sự tham dự của hơn 850 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực cùng đại diện của các tổ chức quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là diễn giả chính của hội nghị.
Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận về "Tương lai thương mại và đầu tư, các cơ hội và thách thức đối với hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương" hôm 17-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về 4 yêu cầu/đặc điểm quan trọng của thương mại và đầu tư trong giai đoạn mới.
Một là, bảo đảm hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một "sân chơi" toàn cầu.
Hai là, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực đến thương mại xuyên biên giới và kinh tế toàn cầu.
Ba là, xuất phát từ những khó khăn, thách thức trong hai năm qua, thế giới và khu vực đang thiết lập những chuỗi cung ứng mới, tự cường và bền vững, với nguồn cung ứng đa dạng, có cơ chế giám sát hiệu quả và có thể dễ dàng truy vết.
Bốn là, dưới tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, cắt giảm phát thải carbon sẽ thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 hôm 17-11. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những thành tựu và chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội, những ưu tiên của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Việt Nam mong muốn thu hút các dự án FDI với công nghệ cao, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự tọa đàm cấp cao với Liên minh Doanh nghiệp Mỹ - APEC. Tại tọa đàm, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam chủ trương chuyển từ "thu hút" vốn FDI sang "hợp tác" với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 17-11 đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam, ông Sanan Angubolkul; gặp gỡ doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam - Thái Lan; tiếp một số tập đoàn hàng đầu Thái Lan; dự khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022...
APEC thúc đẩy hội nhập kinh tế
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 sẽ diễn ra tại Bangkok trong 2 ngày 18 và 19-11, tập trung bàn biện pháp đối phó tình trạng giá lương thực, năng lượng tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tại hội nghị, theo hãng tin Kyo-do, các nhà lãnh đạo dự kiến nhất trí thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế nhằm khuyến khích kinh tế khu vực tăng trưởng.
Ngoài ra, hội nghị dự kiến còn thông qua dự thảo "Các mục tiêu Bangkok đối với mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG)".
Đây được xem là chiến lược tăng trưởng hậu COVID-19 về một hành tinh bền vững, gồm 4 lĩnh vực chính là hành động chống biến đổi khí hậu; đầu tư và thương mại bền vững; bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tiết kiệm tài nguyên và quản lý rác thải bền vững tiến tới không rác thải. Đây sẽ là lần đầu tiên APEC đặt ra các mục tiêu toàn diện về các vấn đề khí hậu và môi trường.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ nêu bật tầm quan trọng của thúc đẩy năng lượng sạch và bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định tại khu vực. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến nhấn mạnh vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ và đưa ra chương trình nghị sự kinh tế toàn diện của Mỹ đối với khu vực, trong đó có Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) do Washington dẫn đầu.
Diễn đàn APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Trong vai trò chủ nhà, Thái Lan đề xuất chủ đề của Năm APEC 2022 là "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng", với tầm nhìn về một APEC "mở với tất cả cơ hội, kết nối trên mọi phương diện, cân bằng trên mọi khía cạnh".
Theo đó, nội dung hợp tác APEC tập trung vào ba ưu tiên, gồm: thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội; khôi phục kết nối trên mọi phương diện; thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh.
Hoàng Phương
Bình luận (0)