Trong bối cảnh chiến tranh và khủng bố hoành hành, thế giới chỉ còn lại 10 quốc gia hoàn toàn không có xung đột, theo bản báo cáo hàng năm lần thứ 10 của IEP. Ngoài Việt Nam, 9 nước còn lại là Botswana, Chile, Costa Rica, Nhật Bản, Mauritius, Panama, Qatar, Thụy Sĩ và Uruguay.
Các cuộc xung đột ngày càng tồi tệ ở Trung Đông cùng với việc thiếu hụt giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự gia tăng thương vong do khủng bố đã khiến tình hình hoà bình thế giới năm 2016 tệ hơn so với 2015.
Cũng theo bản báo cáo IEP, trên thế giới hiện tại có ít quốc gia hoàn toàn hoà bình – hay nói cách khác không có xung đột trong và ngoài nước – hơn so với năm 2014. “Nhìn chung, hoà bình thế giới đã bị giảm sút trong suốt 12 tháng qua” - ông Killelea, người sáng lập IEP cho hay.
Cũng theo ông Killelea, tình hình phức tạp ở Trung Đông đã ảnh hưởng đến tình hình hoà bình chung của thế giới. “Nếu chúng ta không xét các nước ở khu vực Trung Đông trong suốt hơn một thập kỷ qua – và năm ngoái – thế giới sẽ hoà bình hơn. Điều này thực sự làm nổi bật ảnh hưởng của các quốc gia Trung Đông lên tình hình hoà bình chung của thế giới” – Ông giải thích.
Các chỉ số cũng cho thấy 81 quốc gia hoà bình hơn và 79 quốc gia nguy hiểm hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là những quốc gia hoà bình thì lại có xu hướng trở nên hoà bình hơn, còn các quốc gia nguy hiểm thì lại trở nên nguy hiểm hơn. Điều này khiến tình hình “bất bình đẳng hoà bình” trên toàn thế giới trở nên tồi tệ hơn.
“Nguyên nhân chính là do chúng ta không thể giải quyết những xung đột mới nổ ra. Những cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq đã tiếp diễn trong hơn một thập kỷ. Những cuộc xung đột này sau đó lần lượt tràn vào Syria, Libya và Yemen.” – ông Killelea giải thích.
Các chỉ số còn cho thấy tình hình bất ổn chính trị đã trở nên tồi tệ hơn ở 39 quốc gia trong 1 năm qua, nổi bật trong số đó là Brazil. Số lượng tội phạm cùng với các hoạt động khủng bố gia tăng đã khiến Brazil rơi 5 bậc, trở thành quốc gia xếp hạng thứ 105 trong số 163 quốc gia trong bản nghiên cứu của IEP.
Iceland lại một lần nữa trở thành nước hòa bình nhất thế giới, xếp sau là Đan Mạch, Áo, New Zealand và Bồ Đào Nha, quốc gia leo lên 9 bậc trong bảng xếp hạng. Syria lại một lần nữa trở thành quốc gia nguy hiểm nhất.
Syria lại một lần nữa trở thành quốc gia nguy hiểm nhất. Ảnh: Reuters
Khi được hỏi làm cách nào để những quốc gia khác học hỏi Iceland, ông Killelea cho biết: “Không chỉ có Iceland, chúng ta có thể học hỏi từ nhiều quốc gia khác nhau. Họ đang cố gắng cải thiện điều mà chúng tôi gọi là hoà bình tích cực, đó là những yếu tố tạo ra và duy trì hoà bình xã hội.”
Tình hình hoà bình tích cực ở các quốc gia được IEP đánh giá và cho điểm dựa vào các yếu tố như: “công nhận quyền của người khác”, “mức độ tham những thấp”, “tự do thông tin” và một “chính phủ hoạt động tốt”
Các chỉ số cũng xác định châu Âu một lần nữa trở thành khu vực hoà bình nhất trên thế giới. Có đến 7 quốc gia châu Âu góp mặt trong danh sách 10 quốc gia hoà bình nhất. Tuy nhiên, châu lục này cũng không tránh khỏi chiến tranh. Anh, Pháp, Bỉ cùng một số quốc gia khác đang tích cực tham gia vào các cuộc xung đột ở Trung Đông và đang đối mặt với nguy cơ bị khủng bố quốc tế trả thù.
Bình luận (0)