Thực hiện chủ trương bảo đảm quyền con người, Việt Nam chú ý đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Học sinh ở miền núi tỉnh Lào Cai vừa học tiếng dân tộc thiểu số vừa học tiếng Việt
Ảnh: Thân Tống
Đại diện các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử với số phiếu bầu cao nhất Ảnh: Vietnam+
Sau khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào HĐNQ, một số tổ chức, trang mạng trong và ngoài nước đã xuyên tạc, bôi nhọ tình hình nhân quyền Việt Nam. Ở trong nước có nhóm vận động phản đối bằng nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, thậm chí họ còn gặp gỡ một số sứ quán, đại diện LHQ để trao văn bản “kiến nghị” rằng Việt Nam là ứng viên “bất cân xứng”…
Song tất cả không thể phủ nhận thực tế rõ ràng tại Việt Nam. Trong pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo…” nhưng “có thể bị giới hạn” để “bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Nhân đây, cần hiểu rõ cái gọi là những hành vi “ôn hòa”, “bất bạo động” chỉ nhằm “lách luật”, biện hộ cho hoạt động chống nhà nước. Trong khái niệm “tội phạm” của Bộ Luật Hình sự 1999, không loại trừ “những hoạt động ôn hòa, bất bạo động”.
Sau khi có kết quả, nhiều quốc gia đã chúc mừng Việt Nam. Ông Masood Khan, Trưởng phái đoàn Pakistan tại LHQ, nói: “Đây là một thành công kỳ diệu. Tôi xin chúc mừng chính phủ và nhân dân Việt Nam”. Ông Santos Sergio, Trưởng phái đoàn thường trực Brazil tại LHQ, nhận định: “Việc Việt Nam nhận được số phiếu cao nhất cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế với đất nước các bạn”. Trưởng phái đoàn Ả Rập Saudi tại LHQ, ông Abdallah Al-Muallimi, hoan nghênh: “Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành thành viên của HĐNQ LHQ. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy những giá trị cũng như hoạt động của HĐNQ”.
Về phần mình, trong nhiều năm qua, xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nhà nước ta đã cố gắng trên nhiều phương diện nhằm nâng cao sự hưởng thụ các quyền con người của nhân dân. Trước hết là hoàn thiện chính sách, pháp luật. Với việc ký “Công ước chống tra tấn”, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.
Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH) và văn hóa từ khi đổi mới đã đạt những thành tựu to lớn. Chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam dựa trên quan điểm: Kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa; giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, Trong điều kiện còn nhiều khác biệt về trình độ phát triển giữa các vùng miền, chiến lược KT-XH Việt Nam chú ý đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, đường giao thông) và hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế, bưu điện…). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn 9,6% vào cuối năm 2012 và dự kiến chỉ còn 7,8% vào cuối năm 2013.
Trên lĩnh vực quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, báo chí được tôn trọng và ngày càng tốt hơn. Ở Việt Nam hiện có 30,8 triệu người dùng internet (chiếm 34% tổng số dân và cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%) với hàng chục ngàn blogger. Nhiều khách quốc tế khen ngợi Việt Nam là “thiên đường internet” vì giá cước thuộc loại rẻ nhất thế giới. Người dân Việt Nam ngày nay được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, các kênh truyền hình nước ngoài cũng như các trang mạng xã hội.
Những thành quả về quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận, chứng tỏ việc nước ta trở thành thành viên HĐNQ là một kết quả khách quan, công bằng!
Quyền con người như đường chân trời, càng tiến đến gần thì người ta càng cảm thấy nó lùi ra xa. Bởi lý tưởng nhân đạo, tinh thần khoan dung của nhân loại không hề có giới hạn cũng như nhu cầu về tinh thần và vật chất không bao giờ có thể đáp ứng đầy đủ. Chắc chắn Đảng và nhà nước ta sẽ còn phải làm nhiều việc để xứng đáng là thành viên có trách nhiệm cao của HĐNQ LHQ.
HĐNQ LHQ (United Nations Human Rights Council - UNHRC) là cơ quan thay thế Ủy ban Nhân quyền, trực thuộc Hội đồng Kinh tế, Văn hóa và Xã hội LHQ, đã chấm dứt hoạt động vào năm 2006. Tuy nhiên, so với Ủy ban Nhân quyền, HĐNQ là cơ quan cao hơn và là 1 trong 3 hội đồng của LHQ, ngang hàng với Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Văn hóa, có trọng trách thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. HĐNQ gồm 47 quốc gia thành viên, đại diện cho tất cả các khu vực, được Đại hội đồng LHQ bầu với nhiệm kỳ 3 năm. |
Bình luận (0)