Trong cuộc họp báo được phát trên truyền hình chiều 25-7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho hay còn 131 người mất tích sau khi đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ hai ngày trước đó, tất cả là công dân Lào.
Ông không đề cập đến số người tử vong nhưng thông tin từ hãng thông tấn Lào (KPL) xác nhận đã có 26 thi thể được tìm thấy.
Phụ thuộc vào thời tiết
Thủ tướng Thongloun Sisoulith nói tất cả người dân mắc kẹt trên mái nhà hay ngọn cây đã được giải cứu an toàn trong ngày 24-7. Riêng số người mất nhà cửa lên đến 3.060 người. Đặc biệt, lũ vẫn tiếp tục, gây ảnh hưởng thêm 5-6 bản khác.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong cuộc họp báo ngày 25-7. Ảnh: News.cn
Trước đó, báo Vientiane Times (Lào) hôm 25-7 dẫn lời ông Bounhom Phommasane, Chủ tịch huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu), cho biết hơn 2.800 người đã được cứu.
Theo đài BBC, chính quyền Attapeu sử dụng trực thăng và tàu thuyền để sơ tán người dân, đồng thời kêu gọi các cơ quan chính phủ và tổ chức viện trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men... Văn phòng thường trú Liên Hiệp Quốc tại Lào nói với đài CNN (Mỹ) rằng có đến 11.777 người bị ảnh hưởng và 6.000 người phải bỏ nhà cửa.
"Đường sá trong khu vực rất xấu. Người dân ít khi đi vào khu vực này trong mùa mưa. Người dân bị ảnh hưởng có thể trèo lên các ngọn núi gần đó" - một quan chức địa phương nói với Vientiane Times.
Theo CNN, nước tại một số khu vực đang rút và người dân có thể qua lại bằng xe cộ của mình. Tuy nhiên, các quan chức tỉnh Attapeu lo ngại những ngày tới sẽ lại có mưa và đẩy mực nước dâng lên lại, khiến khả năng tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất càng khó khăn hơn.
Thủ tướng Lào khẳng định tất cả người dân mắc kẹt đã được giải cứu. Ảnh: Reuters
Đập bị vỡ đêm 23-7 là đập phụ nằm trong mạng lưới gồm 2 đập chính và 5 đập phụ của dự án thủy điện Xe-Namnoy. Sự cố xảy ra khi công trình hoàn thành khoảng 90% và dự kiến đi vào hoạt động trong năm tới. SK Engineering, công ty Hàn Quốc tham gia dự án này, phát hiện con đập bị nứt vào khoảng 21 giờ hôm 22-7 và nhanh chóng báo với chính quyền để sơ tán người dân.
Quốc tế chung tay
Tuy nhiên, mưa lớn làm đường sá hư hại, khiến SK Engineering không thể chuyển thiết bị hạng nặng đến để sửa chữa con đập kịp thời. Đến 3 giờ ngày 23-7 (giờ địa phương), một van khẩn cấp tại một trong những đập chính được mở để xả bớt nước. Theo SK Engineering, tới trưa cùng ngày, nhà chức trách Lào bắt đầu sơ tán người dân và nước tràn khỏi đập vào khoảng 18 giờ.
Đến 1 giờ 30 phút ngày 24-7, một bản gần đập phụ bị ngập và 8 giờ sau đó thì 7 trong số 12 bản ở vùng hạ lưu ngập hoàn toàn.
Trong khi đó, Ratchaburi Electricity Generating Holding, công ty Thái Lan tham gia liên doanh trong dự án thủy điện Xe-Namnoy, cho biết đập vỡ sau khi mưa lớn liên tục khiến mực nước dâng cao tràn vào hồ chứa của dự án, rồi tràn xuống vùng hạ lưu.
Người dân sơ tán do vụ vỡ đập được hỗ trợ ăn, ở tại một trường tiểu học ở huyện Sanamxay hôm 25-7. Ảnh: GIANG NAM
Theo trang Bloomberg, Liên Hiệp Quốc hôm 24-7 cho rằng vỡ đập khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi Lào vừa hứng chịu thiệt hại từ cơn bão nhiệt đới Sơn Tinh. Ngay sau vụ vỡ đập tồi tệ nhất 60 năm qua, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia như Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan... đã đề nghị hỗ trợ Lào.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 25-7 ra lệnh điều động nhóm cứu trợ khẩn cấp tới Lào. Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ Singapore (SRC) kêu gọi quyên góp và cam kết viện trợ nhân đạo 50.000 SGD cho Lào.
Tổ chức này cho biết họ đang làm việc chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ Lào để cử một đội tình nguyện viên có kinh nghiệm đến hỗ trợ. Đại sứ Thái Lan tại Lào, ông Kiattikhun Chartprasert, cũng hỗ trợ ban đầu 100.000 baht (tương đương 3.000 USD) cho nước láng giềng.
Mưa lớn gây lở đất ở Myanmar
Ít nhất 27 người mất tích và nhiều khả năng thiệt mạng trong vụ lở đất nghiêm trọng sau những trận mưa lớn tại khu vực khai thác mỏ ngọc bích ở làng Seik Mu, thị trấn Hpakant, bang Kachin - Myanmar rạng sáng 24-7 (giờ địa phương).
Theo Tân Hoa Xã, lở đất xảy ra sau vụ sập bức tường cao 91,4 m tại một khu hầm mỏ không còn được khai thác thuộc sở hữu Công ty Ayeyar Yadanar. Cảnh sát địa phương cho biết thời tiết xấu đã cản trở nỗ lực tìm kiếm người sống sót. Bộ Thông tin Myanmar hôm 25-7 nói hoạt động cứu hộ đã bị ngưng do lo ngại lở đất có thể tiếp tục xảy ra.
Trước đó, một vụ lở đất nghiêm trọng cũng xảy ra tại 2 ngôi làng San-Khar và Lone-Khin cùng khu vực trên hôm 14-7, khiến ít nhất 10 thợ mỏ ngọc bích thiệt mạng và 43 người bị thương. Hồi tháng 5, một vụ lở đất tại một khu mỏ ngọc bích khác khiến 17 người thiệt mạng. Vụ việc bi thảm nhất cho đến giờ là vào tháng 11-2015, với hơn 100 người thiệt mạng. Nhiều bi kịch trong số này xảy ra tại Hpakant, trung tâm khai thác ngọc bích cách TP Yangon 950 km về phía Bắc.
H.PHƯƠNG
Bình luận (0)