Cơ quan kiểm soát độc quyền mặt hàng Vodka của Ba Lan khẳng định rằng chỉ các hãng của Ba Lan mới có quyền bán chất cồn sạch này ở các thị trường nước ngoài dưới tên gọi “Vodka”. Rồi họ so sánh, giống như rượu sâm banh được sản xuất bên ngoài khu vực sâm banh của nước Pháp thường phải ghi nhãn hiệu “sparkling wine” (rượu sủi tăm), vodka nào không phải do Ba Lan sản xuất phải mang tên khác.
Không phải là chuyện đùa
Vào thời điểm đó, thoạt tiên, Bộ Thương mại Liên Xô phớt lờ, coi như là một chuyện đùa. Ai dám nghi ngờ chuyện Vodka không phải là đặc sản của người Nga, như nhà thờ St.Basil? Một câu chuyện đùa đụng chạm đến những phần nhạy cảm trong tâm hồn Nga. Đó là chưa kể đến tình đoàn kết của Hiệp ước Warsaw.
Bộ Thương mại Liên Xô khi ấy miễn cưỡng yêu cầu Viện Nghiên cứu Khoa học cao cấp thuộc Bộ Công nghiệp Thực phẩm tiến hành cuộc điều tra. Theo tài liệu lịch sử của nhà nước Nga, Vodka có nguồn gốc từ nước Nga. Từ đó nhà sử học William Pokhlebkin bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông kết luận rằng vodka đã được chưng cất trước tiên trong một tu viện ở Moscow trong khoảng thời gian 1440–1478, nhiều thập niên trước khi xuất hiện ở Ba Lan. Và bởi vì một người Nga trung bình tiêu thụ khoảng 23 lít vodka một năm, cho nên nó có cơ hội phá hủy toàn bộ cơ thể anh ta. Cách đây một vài năm, nhà vật lý Phần Lan đứng đầu văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Nga đã giải thích: “Nếu điều đó xảy ra ở Phần Lan, một nửa dân số sẽ chết trong vòng một năm. Điều này rõ ràng là không bình thường”.
Người Nga không thể sống thiếu Vodka?
Năm 1917, Vodka bị cấm và tình trạng say sưa bị kết tội là “xấu xa về mặt đạo đức”. Tuy nhiên, năm 1924, lệnh cấm này được bãi bỏ. Từ đó đến nay, lượng rượu tiêu thụ cứ tăng lên từng thập niên. Không chỉ đến thập niên 1980 Chính phủ Liên Xô mới lại cố gắng hạn chế mức uống rượu trong nước xuống. Và cuộc cải tổ của ông Mikhail Gorbachev bao gồm cả “cuộc chiến với tình trạng say xỉn”. Thế là mức tiêu thụ rượu giảm xuống. Đồng thời, lúc đó lại xảy ra tình trạng thiếu hụt một cách không bình thường các loại nước hoa, nước súc miệng và các chất khác có chứa cồn, cũng như đường, những thứ có thể được tận dụng trong việc làm rượu bia ở nhà. Rốt cục, thay vì tiêu diệt được tệ nạn uống rượu, cuộc cải cách lại kết thúc trong dư vị khó chịu vào hàng lớn nhất trong lịch sử.
Vodka gắn liền với đời sống người Nga |
Trong cuốn sách nghiên cứu Lịch sử Vodka của mình, nhà sử học yêu nước thời Xô Viết Pokhlebkin đã dành hẳn một chương để than vãn về sự suy sụp của nước Nga khi trượt dốc vào tệ nạn uống rượu. Ông khẳng định, sự say xỉn xung khắc với các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội; nó ngầm hủy hoại đạo đức của người công nhân và làm suy yếu năng suất lao động của họ.
Một số đề nghị của Pokhlebkin mang tính quyết liệt: thu hồi giấy phép lái xe của các tài xế say rượu, khuyến khích người ta đến dự nghe các bài giảng lâm sàng về tác hại của rượu. Thế nhưng, ông lại có một quan điểm khiến nhiều người đồng tình: Vodka không làm con người say sưa, chính con người tự làm mình say sưa. Như vậy, để tránh say xỉn, mọi người phải uống rượu một cách khôn ngoan.
Ngày nay, Vodka là chất dầu bôi trơn của người Nga. Đám tang, ngày hội dân gian và liên hoan, tất cả đều cần phải có nó. Người Nga thậm chí còn cho rằng tác dụng chữa bệnh của Vodka vượt xa hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của nước này. Người ta kể rằng mùa đông vừa qua, trong cái lạnh cắt da cắt thịt ở Moscow (30oC và thấp hơn), một huấn luyện viên xiếc đã cho con voi của ông uống một xô Vodka để... ấm bụng. Trước đó, con vật da dày bạc bẽo này đã phá hỏng lò sưởi duy nhất của rạp xiếc.
Đáp lại khiếu nại của Ba Lan, năm 1982, một tòa án được chỉ định để phán quyết vấn đề nguồn gốc của Vodka đã khẳng định rằng Vodka thật là Vodka của Nga hoặc nói khác đi, Vodka của người Nga là loại Vodka chính cống.
Người Nga mới không thích Vodka cũ
Thói quen uống Vodka đã bắt đầu xuất hiện ở Nga từ thế kỷ 15. Thế nhưng, căn cứ vào tất cả những gì diễn biến trong hiện tại, có thể nói tình yêu lâu đời dành cho Vodka ở nước này đang đi đến chỗ kết thúc. Các số liệu mới nhất cho thấy, những người Nga mới trở nên giàu có gần đây thích uống những loại rượu khác.
Theo cuộc thăm dò do tổ chức Euromonitor tiến hành, việc bán Vodka ở Nga từ năm 2000 đã giảm đi 15%. Những người Nga thuộc tầng lớp trên của xã hội chuyển sang uống Brandy, Cognac và Tequila. Ngoài ra, lượng bia và rượu vang bán ra cũng tăng lên.
Thoạt đầu, Vodka chỉ được bán ở quán rượu. Thế nhưng, trong thời Sa hoàng, số thuế đánh vào Vodka đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga bởi đôi khi nó bảo đảm đến 40% khoản thu của nước này. Ở thế kỷ 20, thức uống này vẫn còn được ưa chuộng. Sang thế kỷ 21, cụ thể năm 2001, Vodka đã chiếm đến 70% trong tổng số các thức uống có cồn được bán ra ở Nga.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 1-2007, Dmitri Dobrov, người đứng đầu cơ quan truyền thông của Liên hiệp Các nhà sản xuất sản phẩm có cồn Nga, công nhận rằng sự ưa chuộng dành cho Vodka đang giảm bớt. Ông nói: “Ngày càng có nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen của mình. Thu nhập tăng, thế là người ta bắt đầu mua những loại thức uống thời thượng hơn, chẳng hạn như Rhum hoặc Whisky. Họ cũng bắt đầu uống những loại rượu có độ cồn thấp hơn”.
Dù vậy các nhà sản xuất Vodka Nga nói họ tin rằng họ sẽ không bị phá sản. Có thể, người Nga không uống 2 tỉ lít Vodka trong một năm nữa, thế nhưng người ta hy vọng vào năm 2010, con số này sẽ không hạ xuống dưới mức 1,5 tỉ lít.
Bình luận (0)