Cuộc “đảo chính” mới nhất hôm 14-9 đã tiễn chân ông Tony Abbott ra khỏi ghế thủ tướng của xứ sở kangaroo và thế chỗ là người thách đấu Malcolm Turnbull.
5 năm gần đây nhất, Úc thay thủ tướng 4 lần và hết 3 lần là “xử lý nội bộ”. Tháng 6-2010, cựu Thủ tướng Kevin Rudd (Công đảng) bị bà Julia Gillard lật đổ. Sự trả thù ngọt ngào được ông Rudd “tặng” lại bà Gillard đúng 3 năm sau (tháng 6-2013).
Đến tháng 9-2013, ông Tony Abbott (Đảng Tự do) đánh bại ông Rudd trong cuộc tổng tuyển cử, một phần cũng vì cử tri bất mãn trước việc Công đảng đổi người đứng đầu chính phủ liên tục. Đúng 2 năm sau, ông Abbott mất ghế vào tay ông Turnbull, người đã bị ông đánh bật khỏi vị trí lãnh đạo Đảng Tự do hồi năm 2009.
Ở Úc, đảng nào nắm đa số ghế trong hạ viện được quyền thành lập chính phủ, cũng tức là toàn quyền chọn thủ tướng. Cách vận hành này cộng với thực tế kể trên chứng tỏ dân Úc vốn không xa lạ với chuyện “thay ngựa giữa dòng” trong nội bộ các đảng.
“Cơ chế này đang mở đường cho sự nổi loạn đâm sau lưng và dẫn đến bất ổn chính trị” - ông Simon Tormey, thuộc Trường ĐH Sydney, chỉ ra. Phân tích với đài CNBC (Mỹ), ông Wayne Swan - từng làm phó thủ tướng Úc giai đoạn 2010-2013 - nhấn mạnh: “Sự kiện hôm 14-9 cho thấy mức độ phân cực trên chính trường Úc đang sâu sắc hơn bao giờ hết”. Bản thân ông Swan đã “bỏ rơi” người bạn lâu năm Rudd để đầu quân cho bà Gillard vào năm 2010.
Còn nhà khoa học chính trị Nick Economou, đến từ Trường ĐH Monash ở Melboune, cảnh báo: “Nếu cử tri không hạ bệ bạn thì các đồng nghiệp trong đảng sẵn sàng làm thế. Chúng ta mong muốn ổn định song có lẽ chính trường Úc đang chao đảo”.
Trong bài phát biểu sau thất bại cay đắng, ông Abbott đổ lỗi cho một vấn đề mà nhiều nhà quan sát cũng nhận ra từ lâu: Chính nhiệm kỳ quá ngắn ngủi (3 năm) khiến các đảng bị ám ảnh bởi các cuộc thăm dò dư luận. Chưa hết, ám ảnh này còn bị bơm phồng bởi “guồng quay tin tức 24/24 và mạng xã hội”, theo ông Abbott.
“Áp lực từ tỉ lệ ủng hộ gây ra tâm lý hoang mang rồi dẫn đến việc thủ tướng bị thay liên tục. Điều này không tốt cho đất nước. Úc có vai trò quan trọng trên thế giới, từ chảo lửa Trung Đông đến vùng biển Đông và nhiều nơi khác. Nhưng tôi e là chúng ta không giúp được gì nếu quyền lãnh đạo thiếu ổn định” - ông Abbott lập luận.
Và dù ông Abbott khẳng định sẽ không “phá” người kế nhiệm nhưng giới chuyên gia tin là ghế của ông Turnbull chưa chắc vững nếu tỉ lệ ủng hộ ông không khả quan cho cuộc tổng tuyển cử vào giữa tháng 1-2017 tới. Như ông Norman Abjorensen của Trường ĐH Quốc gia Úc đúc kết: “Số phận của các nhà lãnh đạo không chỉ phụ thuộc vào cuộc bầu cử trước đó mà còn ở triển vọng của lần tiếp theo”.
Tuy nhiên, bà Sarah Maddison, giáo sư tại Trường ĐH Melbourne, đưa ra một góc nhìn khác: “Không thể quy trách nhiệm cho cơ chế hiện nay. Thử tưởng tượng nếu chúng ta tổ chức tổng tuyển cử mỗi khi thủ tướng điều hành kém cỏi? Làm vậy mới là tốn kém và gây mất ổn định”.
Bình luận (0)