Thứ ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 9-7 cho hay: "Theo đề nghị trợ giúp an ninh và điều tra của Haiti, chúng tôi sẽ cử các quan chức FBI và DHS cấp cao đến Port-au-Prince càng sớm càng tốt để đánh giá tình hình cũng như xem liệu chúng tôi có thể hỗ trợ thế nào".
Bà Psaki cho hay việc tăng cường năng lực thực thi pháp luật của Haiti là ưu tiên hàng đầu của Mỹ từ trước cả vụ ám sát ông Moise. Washington đang tài trợ 5 triệu USD cho lực lượng Cảnh sát quốc gia Haiti (PNH) nhằm cùng bắt tay các cộng đồng chống lại các băng đảng.
Các nghi phạm bị bắt trong vụ ám sát cố tổng thống Haiti. Ảnh: AP
Trước đó, PNH hôm 8-7 cho hay đã bắt giữ hoặc tiêu diệt 28 thành viên nhóm biệt kích xông vào nhà của cố Tổng thống Moise ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince sáng sớm 7-7, giết hại ông và làm bị thương Đệ nhất phu nhân Martine. Hai trong số những kẻ bị bắt được xác định là người Mỹ trong khi 26 người còn lại là người Colombia, trong đó có 17 người được cho là cựu quân nhân.
Vụ ám sát tổng thống: Haiti cầu cứu, Mỹ điều đặc nhiệm khẩn cấp
Những người Mỹ bị bắt giữ cho rằng họ chỉ là phiên dịch và nói rằng nhóm biệt kích có ý định bắt giữ chứ không nhằm giết hại vị tổng thống 53 tuổi. Tuy nhiên, các nhân chứng nói thi thể của ông Moise được tìm thấy với hơn một chục vết đạn.
Người dân tập trung trước Đại sứ quán Mỹ ở Haiti. Ảnh: AP
Thư ký báo chí Nhà Trắng khẳng định các cuộc điều tra về hai người Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của Washington dành cho Port-au-Prince. Mỹ cũng sẽ gửi vắc-xin đến Haiti vào đầu tuần tới. Haiti là một trong số ít quốc gia trên toàn cầu chưa bắt đầu tiêm chủng.
Cùng ngày, Đài Loan cho biết 11 nghi phạm sát hại ông Moise đã đột nhập vào văn phòng ngoại giao của họ tại Haiti để lẩn trốn nhưng sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ. Trong tuyên bố đăng tải trên trang web, văn phòng ngoại giao Đài Loan tại Port-au-Prince mô tả các nghi phạm là lính đánh thuê.
Theo Reuters, Đại sứ Haiti tại Mỹ Edmond Bocchithôm 8-7 đã viết thư cho Ngoại trưởng Antony Blinken đề nghị Washington áp lệnh trừng phạt đối với tất cả những đối tượng liên quan đến vụ ám sát ông Moise theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu.
Sau vụ ám sát, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph, người được ông Moise bổ nhiệm, đã nắm quyền quản lý Haiti. Cả Mỹ và Liên Hiệp Quốc đều công nhận vai trò của ông Joseph.Ông Joseph đã ban bố sắc lệnh khẩn cấp kéo dài 2 tuần nhằm trao cho cảnh sát thêm quyền lực truy lùng những kẻ chủ mưu và gây án.
Thủ tướng lâm thời Claude Joseph. Ảnh: Reuters
Trong diễn biến căng thẳng chính trị ở Haiti, Thượng viện Haiti đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert làm quyền Tổng thống sau khi ông Moise bị ám sát. Đây là bước đi được cho là thách thức trực tiếp quyền Thủ tướng Claude Joseph, người tự xưng là lãnh đạo hiện nay của Haiti và đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ cũng như Liên Hiệp Quốc.
Ông Claude Joseph cáo buộc lực lượng đối lập đang lợi dụng vụ ám sát cố Tổng thống Moise để thâu tóm quyền lực chính trị, một tuyên bố ám chỉ nhóm các nhà lập pháp ủng hộ ông Joseph Lambert. Theo ông Joseph, trên thực tế Thượng viện Haiti đã không còn hiệu lực hoạt động do có quá nhiều ghế đang bỏ trống.
Bình luận (0)