Sau khi Tahir bị bắt tại Kuala Lumpur, Tổng thống Mỹ George Bush lúc đó từng gọi đích danh doanh nhân Sri Lanka này là “trưởng ban kinh tài và rửa tiền” của tiến sĩ Khan. Tahir cũng được coi là cánh tay mặt của tiến sĩ Khan, đứng đầu đường dây buôn lậu công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân của nhà khoa học gây nhiều tranh cãi này.
Bí mật nhập, xuất
Tiến sĩ Abdul Kadeer Khan, “cha đẻ bom hạt nhân” của Pakistan, thiết lập đường dây nói trên từ năm 1976 sau khi ông từ Hà Lan trở về nước với những sơ đồ máy ly tâm của một cơ sở làm giàu uranium ở thành phố Almelo (Hà Lan) và danh sách những nơi cung cấp linh kiện máy cho cơ sở này. Theo tuần báo Der Spiegel (Đức), ông Khan đã ăn cắp những thứ này của Công ty Urenco có trụ sở chính ở Almelo.
Lúc đầu, tiến sĩ A.Q. Khan dùng đường dây buôn lậu thiết bị và vật liệu hạt nhân của ông để “nhập khẩu” những thứ cần thiết nhằm sản xuất uranium làm giàu phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan. Năm 1987, ông đã hoàn thành mục tiêu này một cách xuất sắc. Sau đó, ông lại dùng đường dây này với những chân rết mở rộng để “xuất khẩu” công nghệ hạt nhân phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của các nước khác theo phương thức “thuận mua, vừa bán”.
Chuyến hàng đầu tiên, theo tạp chí WMD Insights số tháng 3-2006, xuất cho Iran vào năm 1987 bằng đường tàu thủy bao gồm: bản thiết kế máy ly tâm làm giàu uranium; thiết bị đã qua sử dụng của chương trình làm giàu uranium của Pakistan; những bộ phận dùng trong sản xuất máy ly tâm với số lượng lớn và bản thiết kế vũ khí hạt nhân. Máy ly tâm làm giàu uranium có thể dùng để sản xuất uranium làm giàu chất lượng thấp cho các nhà máy điện hạt nhân đồng thời cũng có thể sản xuất uranium làm giàu chất lượng cao để sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran đã trả cho tiến sĩ Khan 3 triệu USD tiền mặt tại Dubai cho lô hàng này. Người đứng ra nhận tiền thay mặt tiến sĩ Khan không ai khác hơn là Abu Tahir.
Khách hàng của đường dây buôn lậu nói trên cho tới nay - theo những thông tin tình báo phương Tây - là Iran, Bắc Triều Tiên (cuối thập niên 1990) và Libya (từ năm 2000) mà đỉnh điểm là việc phát hiện và bắt giữ một chiếc tàu Đức mang tên BBC China tại hải cảng Terente, Ý vào mùa thu năm 2003. Chiếc tàu này chở 5 thùng container những bộ phận của máy ly tâm chạy bằng gas.
Mạng lưới khép kín
Để thực hiện trót lọt việc “xuất khẩu” công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân, tiến sĩ Khan tập hợp một nhóm người tin cậy, giao cho mỗi người một nhiệm vụ cụ thể, thiết lập một mạng lưới phân phối với trung tâm là tổng hành dinh của tiến sĩ Khan ở gần Islamabad, thủ đô Pakistan.
Mạng lưới của đường dây bao gồm các nhà sản xuất thiết bị ở Áo, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh. Thổ Nhĩ Kỳ được dùng làm nơi trung chuyển hàng hóa và nơi sản xuất một số bộ phận máy ly tâm. Dubai là nơi giao dịch tài chính với giám đốc kinh doanh là doanh nhân người Sri Lanka B.S. Abu Tahir, cánh tay mặt của tiến sĩ Khan.
Công cuộc làm ăn phát triển, Nam Phi và Malaysia cũng được tiến sĩ Khan dùng làm nơi chế tạo các bộ phận rời của máy ly tâm. Tại Đông Á, một số công ty Nhật, Hàn Quốc và Singapore được tiến sĩ Khan đặt hàng cung cấp thiết bị kỹ thuật cao để chế tạo các bộ phận máy ly tâm. Trong hầu hết các trường hợp, những công ty này không biết thiết bị của mình được dùng để làm gì.
Về nhân sự, ngoài “giám đốc” B.S. Abu Tahir, có một số “giám đốc” khác hoạt động đơn tuyến, không ai biết ai, theo nguyên tắc tình báo. Đó là gia đình ba cha con kỹ sư nhà Tinner ở Thụy Sĩ phụ trách các bộ phận máy ly tâm; chuyên gia người Anh Peter Griffin, phụ trách cung cấp máy cái; Gotthard Lerch, người Đức phụ trách các loại ống dẫn kết nối máy ly tâm. Người cung cấp ống dẫn, Gerhard Wisser, cũng là một người Đức sinh sống và kinh doanh ở Nam Phi từ nhiều thập niên.
Các bộ phận rời máy ly tâm bắt được trên tàu “BBC China” |
Giơ cao, đánh khẽ
Sau khi “chợ đen công nghệ hạt nhân” bị phát giác và truy quét, tiến sĩ A.Q. Khan và các “giám đốc” đã bị bắt. Ông Khan đã chính thức xin lỗi dân Pakistan ngày 4-2-2004 và được tổng thống Pakistan tha thứ ngay. Hiện nay, ông chỉ bị quản thúc tại nhà. Những cộng sự của ông (ít nhất 15 người) ở Phòng Nghiên cứu Khan (KRL) bị cảnh sát Pakistan tạm giam nhiều tuần lễ để phục vụ công tác điều tra. Chỉ có ba người là sĩ quan cao cấp bị giam 6 tháng và sau đó bị quản thúc tại nhà nhưng không ai bị khởi tố.
B.S. Abu Tahir bị bắt tại Malaysia như đã nói ở trên. Đáng chú ý là Công ty Scope của con trai Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi cũng bị điều tra theo yêu cầu của CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) và MI6 (Tình báo Hải ngoại Anh) vì đã sản xuất các bộ phận máy ly tâm cho đường dây buôn lậu của tiến sĩ Khan. Sản phẩm của Scope có mặt trong các container chở trên tàu hàng BBC China.
Scope thừa nhận có sản xuất hàng đó theo đơn đặt hàng của B.S. Abu Tahir nhưng tưởng rằng dùng trong ngành công nghiệp dầu khí chứ không biết hàng xuất đi đâu. Báo cáo điều tra của cảnh sát Malaysia cũng kết luận theo ý này.
Vai trò của CIA bị nghi ngờ nhiều nhất trong trường hợp của gia đình kỹ sư họ Tinner ở Thụy Sĩ vì những người này vừa làm ăn với tiến sĩ Khan vừa nhận lương của CIA!
Bình luận (0)