Dân chúng tụ tập đông nghẹt ở khu vực quanh trại giam. Một cô gái giơ tấm biểu ngữ “Các người dồn tiền mua cổ phiếu, chúng tôi dồn tiền mua pháo đốt” để biểu thị sự bất mãn với gia tộc họ Triệu vốn nổi tiếng về những phi vụ kiếm tiền mờ ám nhờ “nhất thân nhì thế” với gia đình Trần Thủy Biển.
Án đài khai
Triệu Kiến Minh liên quan đến “vụ án gian lận cổ phiếu Công ty Phát triển nhà đất Đài Loan” (gọi tắt là án Đài Khai). Vào tháng 10-2005, Minh lấy danh nghĩa của mẹ là Giản Thủy Miên, dồn số tiền rất lớn để mua cổ phiếu của Đài Khai (lúc ấy giá cổ phiếu công ty này rơi xuống mức thấp tồi tệ). Không lâu sau, Đài Khai “bất ngờ” được sự hỗ trợ của ngân hàng “điều chỉnh lại” nên từ đen biến thành đỏ, cổ phiếu vọt lên mức cao ngất. Triệu gia chỉ trong thời gian ngắn đã kiếm lời hơn 7 tỉ đài tệ (khoảng 3.500 tỉ VNĐ). Cơ quan điều tra phát hiện các thành viên của Triệu gia đều tham gia vào phi vụ này, đồng thời còn liên quan đến những vụ án nhà đất khác.
Trong ngày thẩm vấn đầu tiên, Triệu Kiến Minh phủ nhận những gì liên quan, còn các thành viên khác đều đổ lỗi cho đại gia Triệu Ngọc Trụ, nhưng cơ quan điều tra khẳng định Triệu Kiến Minh là “kẻ chủ chốt”.
Ngoài ra, hai người thân thiết với Triệu gia, cùng Triệu Kiến Minh trở thành “3 đại gia mua cổ phiếu của Đài Khai” là Thái Thanh Văn, Du Thế Nhất và chủ tịch hội đồng quản trị của Đài Khai là Tô Đức Kiến cũng bị bắt.
14 ngày sau khi bị bắt, Triệu Kiến Minh mới thừa nhận với cơ quan điều tra rằng có nói chuyện mua bán cổ phiếu công ty Đài Khai tại nhà hàng Tam Tĩnh với một số người, trong đó có chủ tịch hội đồng quản trị tiền nhiệm của Đài Khai, đồng thời định rõ số lượng cổ phiếu mua. Cơ quan điều tra đang xem xét những lời khai này có phù hợp với điều kiện giảm nhẹ hình phạt của pháp luật hay không.
Hiệu ứng “Triệu phò mã”
Kiểm tra thẻ tín dụng của Triệu Kiến Minh, các điều tra viên phát hiện có một khoản chi phí tại các “quán ăn vặt” nhưng số tiền thanh toán mỗi lần lên đến vài chục ngàn đài tệ. Thì ra “quán ăn vặt” của Minh là những nhà hàng cao cấp, câu lạc bộ đặc biệt. Ngoài ra Minh còn chi phí rất nhiều cho việc mua sắm châu báu, nhưng “đệ nhất phu nhân” Ngô Thục Trân và “công chúa” là Trần Hạnh Dư đều không có thói quen đeo đồ quý giá. Chẳng lẽ những thứ châu báu ấy là lễ vật của Minh mua tặng cho người khác trong công việc làm ăn, hay là sử dụng theo lối nào khác?
Xì-căng-đan của “đệ nhất gia” đã kéo theo một hiệu ứng xã hội bất thường ở Đài Loan. Phàm những gì “phò mã” Triệu Kiến Minh từng ăn, từng dùng đều trở thành mục tiêu xài tiền của rất nhiều người hiếu kỳ.
Những nhà hàng mà Triệu Kiến Minh từng đến hiện tại buôn bán rất phát đạt. Các loại đồng hồ, bút Mont Blanc quý hiếm đáng giá hàng triệu đài tệ trở lên cũng đang thu hút khách. Nhà hàng Hoa Quốc, một trong những nơi tụ hội của Triệu Kiến Minh với các nhân vật quan trọng trong giới chính trị và thương nhân, bình thường thực khách chỉ chiếm khoảng 50%-60% chỗ ngồi, nhưng gần đây ngày nào cũng đông nghẹt. Quản lý ở đây cho biết, cứ 10 người khách vào thì có 8-9 người hỏi “Chỗ nướng vỉ hoặc bíp tết ở đâu?”. Có người đứng ngoài cổng nhà hàng “nghiên cứu” thực đơn, kiểm tra xem có món “ba ngàn đồng” như trên truyền hình đưa hay không.
Gần đây, nhà hàng món ăn Nhật Bản Tam Tĩnh (nơi xảy ra vụ thông đồng gian lận cổ phiếu Đài Khai) liên tục xuất hiện trên truyền hình, tiếng tăm vang đi khắp nơi. Theo nhân viên phục vụ nơi này thì thực khách nào cũng hỏi: “Bọn họ (chỉ nhóm Triệu Kiến Minh) bao phòng nào ăn uống vậy? Có người hỏi nhỏ: “Những người liên quan đến “vụ Tam Tĩnh” có thật là đều đến đây chăng?”. Nhân viên dĩ nhiên luôn miệng trả lời “không biết”.
Nổi tiếng bất đắc dĩ
Ông chủ nhà hàng Tam Tĩnh Hoàng Dịch Thụy từng bị cơ quan điều tra mời lên, cũng trở nên người nổi tiếng. Ông thường đi lại trong nhà hàng chào khách, rất nhiều người nhận ra “ông chủ từng xuất hiện trên truyền hình”. Tuy vậy ông nói rằng việc nhà hàng đột nhiên đông khách không liên quan trực tiếp đến vụ Triệu Kiến Minh, vì “mùa hè là mùa thịnh vượng của thức ăn Nhật Bản, là mùa đặc sản cá tầm đen nên khách thường đông”.
Biểu tình đòi Trần Thủy Biển từ chức |
Cửa hàng bút danh tiếng Mont Blanc ở Đài Bắc cũng ăn nên làm ra. Vừa qua nhân kỷ niệm 100 năm thành lập của hãng, nghe nói Triệu Kiến Minh đã từng mua 1 cây có gắn đá quý trị giá 700.000 đài tệ (khoảng 350 triệu VNĐ). Trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, doanh thu của cửa hàng này tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng người quản lý cho rằng nguyên nhân của sự đột biến này là do “hoạt động mừng 100 năm nhãn hiệu sản phẩm” chứ không phải do “hiệu ứng Triệu phò mã”.
Tương tự, doanh thu của các cửa hàng đồng hồ Thụy Sĩ tại đây cũng tăng cao, đặc biệt là đồng hồ nữ bán ra hơn 50 chiếc trong tháng 5, giá mỗi chiếc là 1 triệu đài tệ (500 triệu VNĐ), doanh thu tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận (0)