Cục quản lý chất lượng, thanh tra và kiểm dịch (AQSIQ) của Trung Quốc ngày 19-9 cho biết khoảng 10% số mẫu sữa nước của Tập đoàn sữa Mengniu (Mông Ngưu) và Tập đoàn công nghiệp Yili (Y Lợi) đều cho thấy có chứa hoá chất melamine. Ngoài ra, một số mẫu sữa của tập đoàn sữa Bright (Quang Minh) cũng chứa hoá chất này.
Ngay sau khi phát hiện trên được công bố, các hãng nhập khẩu đều ra lệnh thu hồi các sản phẩm mang nhãn hiệu Mengniu và Yili. Hai trong số các hệ thống siêu thị lớn nhất ở Hồng Công là Wellcome và Park'n Shop đã thu hồi toàn bộ sản phẩm sữa nhập của Mengniu trong khi các sản phẩm của Yili cũng phải đối mặt với lệnh tương tự ở Hồng Công sau khi cơ quan chức năng phát hiện chất melamine trong 8 loại đồ uống, kể cả kem và sữa chua của tập đoàn này.
Các nhà chức trách cũng đang chờ thêm kết quả kiểm nghiệm trước khi áp dụng hình phạt tương tự đối với các công ty khác. Tại Singapore, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm đã yêu cầu các nhà bán lẻ thu hồi kem que và sữa chua của Yili.
Theo TTXVN, tập đoàn cà phê Starbucks cho biết 2/3 đại lý của họ tại Trung Quốc đã ngừng phục vụ sữa từ ngày 19-9 sau khi một trong các nhà cung cấp chính của hãng này là Mengniu bị phát hiện dính líu tới vụ bê bối sữa có chứa chất độc hại. Starbucks khẳng định không có nhân viên hay khách hàng nào của họ bị bệnh liên quan tới loại sữa này. Hiện Starbucks có 330 cửa hàng tại Trung Quốc.
Trước thực trạng u ám của thị trường sữa nội địa Trung Quốc, hầu hết các công ty sản xuất sữa bột nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, như MeadJohnson, Dumex, Wyeth... đảm bảo rằng các sản phẩm của họ không chứa chất melamine, đồng thời cam kết không tăng giá để kiếm lời trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh nội địa đang gặp khó khăn.
Ông Robert Madelin, quan chức phụ trách vấn đề sức khỏe và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Ủy ban châu Âu, cho biết các nước Liên minh châu Âu (EU) đã không nhập khẩu sữa bột trẻ em của Trung Quốc và cũng không nhận được báo cáo nào về vấn đề sức khoẻ của người tiêu dùng ở khu vực này liên quan đến các sản phẩm sữa Trung Quốc. Theo ông, đại diện EU đang làm việc với các nhà lập pháp Trung Quốc về vấn đề sữa nhiễm độc.
Các quan chức bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ và châu Âu ngày 19-9 cũng cho biết EU và Mỹ đã phối hợp với Trung Quốc thúc đẩy các nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm. Mục đích chính là nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà sản xuất Trung Quốc về các quy định an toàn cho người tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu, đồng thời giúp các nhà lập pháp Mỹ và EU hiểu rõ về hoạt động sản xuất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sáng kiến này, ban đầu chỉ tập trung vào lĩnh vực quần áo, đồ chơi và sản phẩm điện tử, không đề cập tới vụ bê bối sữa bột và các vấn đề an toàn thực phẩm khác.
Bình luận (0)