Chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un thường ít khi cho truyền thông đưa tin về các sự kiện tiêu cực để tránh làm xấu hình ảnh đất nước.
Văn phòng hãng tin AP tại Bình Nhưỡng dẫn nguồn tin cho biết hôm 11-6, một vụ cháy đã xảy ra ở khách sạn Koryo – được xây dựng cách đây 30 năm – nhưng cũng không thấy truyền thông địa phương đưa tin. Khách sạn này là nơi cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman – bạn lãnh đạo Kim Jong-un - ở lại khi đến thăm Triều Tiên và cũng là nơi đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Hãng tin Reuters nắm trong tay một số bức ảnh cho thấy có khói bốc lên từ cầu bộ nối liền 2 tòa tháp 43 tầng nhưng không công bố chúng.
Theo AP, ngọn lửa bốc lên từ những tầng cao nhất của khách sạn. Trang web NK News nói thêm vụ hỏa hoạn được khống chế sau vài giờ.
Vụ cháy tại khách sạn Koryo. Ảnh: Yonhap
Tất cả con số thương vong, thiệt hại vật chất… không được đề cập. Một nguồn tin nói với Reuters: “Một số người nước ngoài bị bắt giữ vì cố gắng chụp ảnh hiện trường”.
Tổng Giám đốc Công ty du lịch Koryo Tours của Triều Tiên (trụ sở ở Bắc Kinh), ông Simon Cockerell, nhận định vụ cháy xảy ra vào khoảng 18 giờ nên có thể không có người nào xung quanh khách sạn thời điểm đó.
Ngoài ra, trong số 12 người ở Triều Tiên thì chỉ có một người sở hữu điện thoại di động, lại không có mạng 3G mà chỉ sử dụng mạng nội bộ nên người dân bình thường khó đăng tải các bức ảnh lên mạng, không kể đến chính sách kiểm duyệt thông tin chặt chẽ của chính phủ.
Trong khi đó, liên quan đến sự cố một phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ gửi nhầm mẫu bệnh than sống tới một căn cứ quân sự của nước này tại Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cho rằng chính họ mới là mục tiêu mà Washington muốn nhắm đến.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ja Song Nam hôm 12-6 viết trong một bức thư gửi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon: “Mỹ không chỉ sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt mà còn cố gắng sử dụng chúng trong một cuộc chiến tranh thực sự chống lại Triều Tiên”.
Ông Ja cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ điều tra “dự án chiến tranh sinh học” của Mỹ sau khi Lầu Năm Góc thừa nhận các bào tử bệnh than sống - có thể được sử dụng như vũ khí sinh học – vô tình bị gửi tới Canada, Anh, Hàn Quốc cùng với các phòng thí nghiệm ở 19 bang của Mỹ, trong đó có cả thủ đô Washington.
Trả lời cáo buộc nêu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết Washington đã đọc bức thư của ông Ja và khẳng định “những cáo buộc này là vô lý, không đáng để Mỹ phản ứng”.
Bình luận (0)