Nhà chức trách Indonesia hôm 18-12 cho biết ít nhất 217 người mất tích và có thể còn tăng hơn nữa sau khi một con tàu chở quá tải người di cư bất hợp pháp đi Úc bị chìm ngoài khơi đảo Java, Indonesia hôm 17-12. Các giới chức cho biết con tàu này đã gặp tai nạn khi ở ngoài khơi cách bờ biển khoảng 90 km giữa lúc biển động mạnh
Hy vọng mờ dần
Nhiều hành khách trên chuyến tàu gỗ này được cho là dân di cư từ các nước Iran, Iraq, Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Indonesia là điểm trung chuyển của dân di cư bất hợp pháp từ Trung Đông vượt qua Ấn Độ Dương để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Úc. Theo hãng tin Reuters, nhà chức trách đã đưa ra con số khác nhau về số người mất tích và tử vong.
Những người được cứu sống trong vụ chìm tàu tạm trú ở Trenggalek. Ảnh: Reuters
Ông Sahrul Arifin, phụ trách về tình trạng khẩn cấp và công tác hậu cần tại Trung tâm Giảm nhẹ thảm họa Đông Java, cho biết chỉ 76 người trong số 380 người trên tàu đã được cứu sống mà thôi. Ông Arifin xác nhận: “Đội tìm kiếm và cứu nạn của chúng tôi đã lùng sục vùng biển chung quanh nơi xảy ra tai nạn”. Trong khi đó, theo hãng tin AP, có khoảng 250 người tị nạn đi trên tàu.
Hariyadi Purnomo, người phát ngôn của cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn ở Đông Java, cho biết 217 người còn mất tích và 33 người được cứu sống. Trong số những người được cứu sống có một phụ nữ và một số bé trai trong độ tuổi 8-10. Ông Kelik Enggar Purwanto, điều phối viên Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn, kể: “Những người thoát chết hiện đang bị mất nước nghiêm trọng và kiệt sức vì họ đã lênh đênh giữa biển trong khoảng 5 giờ sau khi tàu chìm”.
Hãng tin AP nhận định: Nhà chức trách Indonesia hôm 18-12 đã nhanh chóng mất đi niềm hy vọng tìm được thêm người sống sót. Ông Brian Gautama, một thành viên của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn, thừa nhận: “Thời tiết xấu, tầm nhìn giảm, làm cho tiến trình cứu nạn trở nên khó khăn. Những người sống sót phải được cứu càng sớm càng tốt bởi họ không thể ở lâu giữa biển”.
Bốn tàu đánh cá, hai trực thăng và một tàu chiến đã tham gia chiến dịch tìm kiếm giữa những con sóng cao 4 m. Trung úy Alwi Mudzakir, một sĩ quan cảnh sát biển phụ trách các chiến dịch cứu nạn, nhấn mạnh: “Họ đã lùng sục một khu vực bán kính 80 km nhưng chẳng tìm được gì cả”. Ông Mudzakir nói thêm rằng dòng nước chảy rất mạnh và thời tiết trở nên xấu hơn.
Chuyến hải trình nguy hiểm
Đài truyền hình chiếu cảnh hơn 10 người chết hụt tụm lại với nhau tại bệnh viện đa khoa ở Trenggalek, thành phố nằm trên bờ biển phía Nam Java. Các quan chức phụ trách về nhập cư cũng đến phỏng vấn họ. Một người sống sót kể rằng có 4 chiếc xe buýt, mỗi chiếc chở ít nhất 60 người lớn, đưa họ đến cảng và họ lên tàu từ đó. Người ta hứa hẹn sẽ chở họ đến đảo Giáng sinh của Úc.
Một người Iraq tên Fahmi kể chuyện bằng tiếng Ả Rập: “Nguyên nhân khiến tôi cùng với những người khác trên tàu thực hiện chuyến đi biển đó là chúng tôi muốn tị nạn ở Úc”. Bên cạnh đó, Esmat Adine, người Afghanistan, 24 tuổi, kể lại rằng khi con tàu bắt đầu lắc lư, mọi người bị dồn lại khiến tình trạng con tàu càng thêm xấu đi. Anh này nói: “Lúc đó, con tàu càng mất thăng bằng”. Anh cho biết ít nhất 50 người tị nạn trên tàu là trẻ em.
Luật sư người Úc Ian Rintoul nhận định rằng Chính phủ Úc dứt khoát phải chịu trách nhiệm về thảm họa kể trên khi đã gây sức ép buộc Indonesia phải có lập trường mạnh mẽ chống lại nạn buôn người. Đầu năm nay, Indonesia đã ban hành đạo luật mới quy định án phạt dành cho những kẻ buôn người ít nhất 5 năm tù.
Căn cứ vào chi tiết con tàu bị nạn, luật sư Jack Smit cho rằng một kẻ khai thác đường dây buôn người mới và thiếu kinh nghiệm cố kiếm tiền nhanh chóng có thể liên quan đến chuyến đi này. Theo ông Smit, các thuyền nhân phải trả khoảng 3.000-8.000 USD để có thể được lên tàu, trong khi con tàu thường cũ nát và không được trang bị đầy đủ cho một chuyến hải trình nguy hiểm đến Úc.
Bình luận (0)