Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ ý thức hệ chủ nghĩa toàn cầu và nêu cao "học thuyết chủ nghĩa yêu nước", trong đó các quốc gia trách nhiệm phải chống lại các đe dọa chủ quyền thông qua sự thống trị toàn cầu và những hình thức áp bức, thống trị mới.
Dù có tiếng cười phát ra từ các lãnh đạo thế giới, ông Trump không hề nói đùa. Thực ra, lời kêu gọi chủ nghĩa yêu nước mạnh mẽ dựa trên "tình yêu nước mãnh liệt" và "hết lòng trung thành với Tổ quốc" vẫn tìm thấy người nghe.
Tất nhiên, tranh cãi về cá nhân hóa Tổ quốc đã có từ lâu. Thế nhưng, sứ mệnh chủ quyền của Tổng thống Donald Trump thậm chí đi xa hơn, đòi hỏi sự tách biệt các quan hệ quốc tế và biến đổi chính trị toàn cầu.
Do sự phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ không gian là thực tế cơ bản của môi trường quốc tế hiện đại, việc kêu gọi chuyên chế chủ quyền - chủ nghĩa dân tộc cực đoan - chẳng khác nào kêu gọi xung đột. Bước lùi lớn như vậy sẽ đe dọa gây hỗn loạn và thậm chí là chết chóc.
Trong kỷ nguyên mới này, vũ khí hóa không phận chỉ là một dấu hiệu nữa của một thế giới ngày càng hỗn loạn. Điều này nổi rõ khi bay trên eo biển Hormuz tới vịnh Persian. Chuyến bay của hãng Qatar Airways nối Delhi - Ấn Độ với Doha - Qatar.
Thông thường, đường bay trực tiếp sẽ đi trên vịnh Persian thông qua không phận do Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay, máy bay phải đi về hướng Tây, qua tỉnh Balochistan - Pakistan, rồi qua TP Bandar-e-Abbas của Iran vào vịnh Persian và đi theo phía Nam về phía Doha.
Đường bay lạ kỳ này là kết quả của mối bất hòa trong nội bộ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain cùng Ai Cập tìm cách cô lập Qatar. Ngoài cắt đứt quan hệ ngoại giao từ ngày 5-6-2017, khối quốc gia do Ả Rập Saudi dẫn đầu còn áp đặt các hạn chế kinh tế nghiêm khắc lên Qatar, trong đó, cấm các máy bay đăng ký ở Qatar đi qua không phận của họ. Qatar Airways, hãng hàng không lớn nhất của Qatar, phải gánh chịu thiệt hại tài chính đáng kể. Họ phải đóng cửa gần 20% đường bay và chịu đựng chi phí vận hành tăng cao do phải bay vòng để tránh né lệnh phong tỏa.
Tranh chấp trong GCC nổ ra ngay sau khi ông Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và các nước Hồi giáo Ả Rập ở Riyadh vào tháng 5-2017. Trong suốt chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vai trò ông chủ Nhà Trắng này, ông Trump đã kêu gọi GCC "chế ngự chủ nghĩa cực đoan và đánh bại các lực lượng khủng bố".
Theo một báo cáo của quốc hội Mỹ, cuộc họp đã hồi sinh những căng thẳng cũ liên quan tới chính sách đối ngoại của Qatar - quốc gia vốn ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo (ở Ai Cập) và quan hệ gần gũi với Iran. Qatar xung đột với những người hàng xóm vùng Vịnh sau vụ Tổng thống Ai Cập Muhammed Morsi - nhân vật có liên hệ với phong trào Anh em Hồi giáo - bị lật đổ năm 2013. Các bên tạm thời giải quyết xung đột thông qua cam kết không can thiệp giữa các nước GCC, gọi là "Hiệp định Riyadh".
Hãng hàng không Qatar Airways phải gánh chịu thiệt hại tài chính đáng kể do bị nhóm nước do Ả Rập Saudi đứng đầu cô lập. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại độc lập của Qatar tiếp tục xát muối vào những vết thương an ninh chưa lành ở Trung Đông. Dù không ngừng nỗ lực, chính quyền ông Trump chưa thể giải quyết xung đột này. Thất bại của Nhà Trắng trong việc tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng giữa các nước thành viên GCC chủ yếu do tầm quan trọng của Qatar và GCC với các lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Giờ đây, Nhà Trắng cố gắng hồi sinh kế hoạch dùng GCC để neo đậu một liên minh chính trị và an ninh - Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) - nhằm chống lại sự mở rộng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, Qatar đang ngày càng bị đẩy xa khỏi nỗ lực xây dựng một liên minh như thế và trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Iran.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ nhận thấy cần phải hạn chế tính độc quyền của chủ quyền không phận nhằm giảm bớt sự ngờ vực giữa NATO và khối Warsaw. Dù vậy, sự hợp tác quốc tế trong vấn đề không phận đang gặp thách thức.
Trong quá khứ, tranh luận về không phận tập trung vào những lo ngại về phòng vệ và an ninh quốc gia truyền thống. Giờ đây, nhiều nước đang tăng cường sử dụng nguyên tắc không phận chủ quyền như một công cụ trong chiến tranh kinh tế và ngoại giao.
Có một số ví dụ nổi bật khác bên cạnh chuyện phong tỏa Qatar nói trên. Chẳng hạn, Trung Quốc cũng vũ khí hóa không phận. Ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh tìm cách củng cố tuyên bố lãnh thổ của họ thông qua thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Hành động của Trung Quốc là một sự đảo ngược đối với mục đích truyền thống của ADIZ, biến nó từ một biện pháp tự vệ thành công cụ cưỡng bức để mở rộng chủ quyền.
Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc có thể chỉ mang tính chất mô tả, nắm bắt một phong trào theo hướng chủ quyền cưỡng bức. Tuy nhiên, ở vị trí đặc thù của Mỹ là người bảo vệ an ninh toàn cầu, các phát ngôn của tổng thống mang ý nghĩa quan trọng và tác động lớn. Rốt cuộc, lời kêu gọi gia tăng chủ nghĩa dân tộc chủ quyền và bớt hợp tác quốc tế của ông Trump sẽ chỉ đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch ra xa sự lãnh đạo của Mỹ.
Bình luận (0)