Với việc Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 15-3 xác nhận chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia bị cố ý chuyển hướng, cuộc điều tra giờ đây tập trung vào hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay, nhất là những người có kiến thức hàng không.
Tìm hiểu thiên hướng chính trị, tôn giáo
Theo báo Star (Malaysia), nhà chức trách Malaysia bắt đầu có sự tìm hiểu kỹ hơn thiên hướng chính trị và tôn giáo cũng như việc họ đã đi tới các nước nào trên thế giới. Sở thích và hành vi với bạn bè của những người này cũng sẽ được tìm hiểu.
Cảnh sát hôm 16-3 xác nhận đã lục soát nhà cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và phi công phụ Fariq Abdul Hamid tại thủ đô Kuala Lumpur trong nỗ lực tìm hiểu xem liệu 2 người này có liên quan đến vụ việc hay không. Họ cũng cho biết đang kiểm tra thiết bị mô phỏng bay được tìm thấy tại nhà cơ trưởng nhưng thận trọng cho biết thêm đây chỉ là thủ tục thông thường của cuộc điều tra. Theo đài CBS News, nhà của những thành viên phi hành đoàn khác cũng bị lục soát.
Tờ Daily Mail (Anh) tiết lộ cơ trưởng Zaharie là một người ủng hộ “cuồng nhiệt” ông Anwar Ibrahim, thủ lĩnh Đảng Công lý Nhân dân (PKR) đối lập. Theo báo này, vài giờ trước khi chuyến bay mất tích rời Kuala Lumpur hôm 8-3, Zaharie đã tham dự một phiên tòa gây tranh cãi, trong đó ông Ibrahim bị kết án 5 năm tù giam. Các nguồn tin chính trị lo ngại bản án trên có thể đã khiến người cơ trưởng này cảm thấy bất mãn sâu sắc.
Tuy nhiên, đại diện PKR đã bác bỏ bất kỳ sự liên hệ nào giữa ông Zaharie và ông Ibrahim. Dù xác nhận Zaharie là thành viên của đảng nhưng PKR cho rằng điều này không có liên hệ gì đến vụ máy bay mất tích. Trong khi đó, các thủ lĩnh đối lập ở Malaysia cũng chỉ trích chính phủ tìm cách sử dụng vụ khủng hoảng để trấn áp họ.
Bị cất giấu ở Pakistan?
Không chỉ bị công kích trong nước, nhà chức trách Malaysia còn đối mặt sự chỉ trích mạnh mẽ từ bên ngoài vì cách thức xử lý vụ máy bay mất tích. Trung Quốc, nước có nhiều công dân nhất trên chiếc máy bay mất tích, hôm 16-3 cho rằng Malaysia đã lãng phí nguồn lực và thời gian “quý giá” khi công bố thông tin về số phận chiếc máy bay 1 tuần sau khi nó biến mất. Chính phủ Ấn Độ hôm 16-3 cho biết đã tạm ngừng chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích theo yêu cầu của phía Malaysia. Hoạt động tìm kiếm của Ấn Độ tập trung ở 2 khu vực là phía Tây vịnh Bengal, xung quanh quần đảo Andaman và Nicobar. Mặt khác, New Delhi cũng bác bỏ chiếc máy bay mất tích đã vào không phận nước này bởi nếu thế thì radar chắc chắn sẽ phát hiện. Tương tự, Thái Lan đã tuyên bố dừng hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích ở khu vực vịnh Thái Lan và biển Andaman.
Trước đó 1 ngày, chính phủ Pakistan đã lên tiếng bác bỏ thông tin chiếc máy bay đang mất tích có thể đã bị cất giấu ở nước này. Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về vấn đề hàng không Shujaat Azeem cho rằng chiếc máy bay biến mất ở vị trí cách xa không phận Pakistan cũng như không hề được nhìn thấy trên radar của nước này.
25 nước tham gia tìm kiếm
Các quan chức Malaysia hôm 16-3 cho biết đang liên hệ với ít nhất 15 nước nằm dọc 2 hành lang phía Nam (kéo dài từ Indonesia đến Nam Ấn Độ Dương) và phía Bắc (kéo dài từ biên giới Kazakhstan và Turkmenistan đến miền Bắc Thái Lan) mà chiếc máy bay có thể đã bay tới để nhờ họ giúp đỡ tìm kiếm. Cùng ngày, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết số nước tham gia tìm kiếm đã tăng từ 14 lên 25.
Trong khi đó, báo Mirror (Anh) cho biết với đủ nhiên liệu có thể bay đến bất kỳ đâu từ Pakistan tới miền Đông nước Úc, chiếc máy bay đang mất tích có thể hạ cánh xuống 1 trong số 634 đường băng tại 26 quốc gia sau khi bị khống chế. Thông tin trên được đưa ra dựa theo một bản đồ từ website WNYC của các đài phát thanh công cộng, phi thương mại và phi lợi thuận ở thành phố New York - Mỹ.
Bình luận (0)