Các nước phương Tây cho rằng vụ nổ dưới biển Baltic vào tháng 9-2022 liên quan đến Nga. Ngược lại, Điện Kremlin cáo buộc phương Tây phá hoại đường ống này.
Dự thảo nghị quyết nhận được ba phiếu thuận của Trung Quốc, Brazil và Nga và 12 phiếu trắng. Theo hãng tin Reuters, dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của 5 thành viên thường trực gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp hoặc Anh để được thông qua.
Nga khẳng định không được tham gia cuộc điều tra đang diễn ra do Thụy Điển, Đức và Đan Mạch khởi xướng, trong khi những nước này bác cáo buộc.
Rò rỉ khí đốt xảy ra ở đường ống Nord Stream 2 ngày 27-9-2022. Ảnh: Reuters
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cho biết: "Chúng tôi có những nghi ngờ quan trọng và rất có cơ sở về tính khách quan, minh bạch của cuộc điều tra do một số quốc gia châu Âu tiến hành".
Theo ông Nebenzia, ba cuộc điều tra không nhằm "làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với hành vi phá hoại, mà là che giấu bằng chứng và dọn sạch hiện trường".
Trong khi đó, một số thành viên Hội đồng Bảo an nói ba quốc gia đang điều tra vụ nổ là đáng tin cậy, chỉ trích Nga đang tìm cách chuyển hướng chú ý khỏi xung đột Ukraine.
Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood nói: "Đó là nỗ lực nhằm làm mất uy tín các cuộc điều tra đang diễn ra và làm phương hại đến mọi kết luận mà họ đưa ra".
Cũng trong ngày 27-3, Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Vụ trưởng Hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky cho biết Nga có thể yêu cầu bồi thường liên quan đến những thiệt hại do các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm ngoái.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus là để đáp ứng yêu cầu của Belarus. Ảnh: AP
Liên quan đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sang Belarus, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết họ không thấy bằng chứng nào (hình ảnh vệ tinh hoặc thông tin tình báo) cho thấy nhà lãnh đạo Nga đang xúc tiến kế hoạch này ngay lập tức.
Tờ Polico dẫn thông tin từ ba quan chức cấp cao tiết lộ các quan chức Mỹ và châu Âu không tin rằng ông Putin có ý định sớm chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby ngày 27-3 bình luận: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ diễn biến nào kể từ thông báo này. Chúng tôi chắc chắn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chứ chưa nói đến vũ khí hạt nhân bên trong Ukraine".
Theo các quan chức phương Tây, ông Putin đang cố đánh lạc hướng bằng mối đe dọa hạt nhân mới.
Bình luận (0)