Ông nói rằng bản thân không hề muốn đoạn video lan truyền rộng rãi như vậy.
Kể từ khi được đưa lên mạng xã hội Facebook, đoạn video đã trở thành tâm điểm trong chuỗi ngày nhiều biến cố ở Pháp - khởi đầu từ thảm sát ở Charlie Hebdo hôm 7-1 và kết thúc hôm 9-1 với cái chết của 4 con tin và 3 kẻ khủng bố trong 2 cuộc đấu súng.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình về thời điểm quay phim cảnh nhân viên cảnh sát bị sát hại hồi tuần trước, ông Mir nói: “Tôi hoàn toàn hoảng sợ. Tôi cần phải nói chuyện với một người nào đó. Tôi chỉ có một mình trong căn hộ và rồi tôi đăng tải đoạn video lên Facebook. Đó là lỗi của tôi”. Ông đã gỡ nó xuống 15 phút sau đó nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Đoạn video nhanh chóng được chia sẻ trên các trang web và tải lên trang YouTube. Chưa đầy 1 giờ sau khi ông Mir xóa video khỏi Facebook, ông giật bắn người khi nhìn thấy nó xuất hiện trên màn hình ti-vi trước mắt mình.
Đoạn video ngay lập tức trở thành hình ảnh thu hút sự chú ý nhất trong chuỗi ngày nhiều biến cố ở Pháp. Ảnh: REUTERS
Người dân Pháp cầu nguyện cho nạn nhân vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo Ảnh: AP
Đoạn video 42 giây ghi cảnh hai tay súng đeo mặt nạ (anh em Cherif và Said Kouachi) đi về phía một sĩ quan cảnh sát, người sau đó được xác định là Ahmed Merabet (42 tuổi). “Mày muốn giết chúng tao?” - một trong hai tay súng nói khi tiến về phía sĩ quan bị thương. Thế nhưng, họ phớt lờ việc ông xin tha mạng và bắn vào đầu ông này. Báo chí Anh mô tả đoạn video như là thứ “gây sốc” và “kinh tởm”. Báo Pháp Le Figaro gọi đó “chiến tranh”, trong khi đài CNN gọi đó là “hình ảnh khó quên, mãi mãi gắn liền với cuộc tấn công khủng khiếp này”.
Với gia đình sĩ quan cảnh sát bị sát hại, đoạn video khác nào càng xoáy sâu vào nỗi đau. Anh trai của Ahmed Merabet đã rất xúc động trong cuộc họp báo ngày 10-1: “Nỡ lòng nào lại đưa lên mạng, phát sóng đoạn video. Tôi nghe thấy giọng của em trai. Tôi nhận ra nó. Tôi thấy em mình bị giết và phải nghe câu chuyện về nó mỗi ngày”. Tuy nhiên, một số người cho rằng đoạn video đã phơi bày sự nhẫn tâm của bọn khủng bố.
“Đối với tôi, chuyện cảnh sát bị giết giống như một bức ảnh chiến tranh” – ông Mir so sánh nó với hình ảnh gây tranh cãi của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Robert Capa về một người lính bị bắn chết trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Bình luận (0)