Nhà chức trách Pháp hôm 20-3 tiến hành cuộc truy lùng hung thủ vụ xả súng sát hại 3 học sinh và một giáo viên gốc Israel tại Trường Do Thái Ozar Hatorah ở thành phố Toulouse một ngày trước đó.
Nâng mức báo động nguy cơ khủng bố
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Claude Gueant cho biết cảnh sát vẫn chưa xác định được danh tính người đàn ông tấn công trường Do Thái. Dù vậy, ông Gueant dẫn lời một nhân chứng cho biết hung thủ có thể đã mang một video camera khi tiến hành vụ tấn công và quay phim hiện trường vụ án. Theo ông Gueant, nhà chức trách đang tìm kiếm xem liệu hung thủ có đăng tải lên internet đoạn video nào liên quan đến vụ xả súng hay không.
Hung thủ đã tẩu thoát bằng xe máy sau khi gây ra vụ tấn công nói trên. Tên này cũng bị nghi là đã sát hại 3 binh sĩ gốc Ả Rập trong 2 vụ nổ súng khác tại Toulouse và thị trấn Montauban gần đó vào tuần rồi. Cảnh sát cho biết khoảng 120 nhà điều tra đã tham gia truy tìm dấu vết kẻ sát nhân, bước đầu phát hiện vũ khí dùng trong cả 3 vụ là cùng một loại. Ngoài ra, họ đã xác định được biển số của chiếc xe dùng trong vụ tấn công mới nhất.
Cảnh sát đứng gác bên ngoài Trường Do Thái Ozar Hatorah, nơi xảy ra vụ xả súng hôm 19-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Hiện chưa rõ động cơ của các vụ tấn công nói trên nhưng báo Globe and Mail (Canada) cho biết các nhà điều tra đang tập trung 2 hướng chính: các vụ xả súng có thể là hành động của một phần tử cực hữu hoặc của một người Hồi giáo cực đoan thuộc một nhóm khủng bố nội địa. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhận định động cơ của 3 vụ tấn công nói trên dường như là sự phân biệt chủng tộc.
Ngoài ra, ông Sarkozy đã thông báo nâng mức báo động đối với vùng Midi-Pyrénées lên “màu hồng điều”, mức cao nhất ở Pháp đối mặt với các nguy cơ khủng bố sau vụ tấn công nhằm vào người Do Thái. An ninh cũng được tăng cường tại các trường tôn giáo, cũng như các tòa nhà Do Thái và Hồi giáo khắp nước Pháp sau vụ xả súng.
Thế giới kịch liệt lên án
Tại Paris, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành vào cuối ngày 19-3 để tưởng niệm các nạn nhân và phản đối vụ tấn công bài Do Thái tồi tệ nhất trong 30 năm qua ở Pháp.
Báo The Telegraph (Anh) nhận định các vụ tấn công có thể đưa vấn đề an ninh trở lại vị trí hàng đầu trong chương trình tranh cử của các ứng viên tổng thống trong thời gian tới. Ông Francois Hollande, ứng viên của Đảng Xã hội, tuyên bố: “Đây không chỉ là vấn đề của một trường Do Thái, một thành phố mà là của cả nước Pháp”.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, đi đầu là Liên Hiệp Quốc và Israel, đã cực lực lên án vụ thảm sát mới nhất ở Toulouse. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là một vụ giết người “hèn hạ” và nói không loại trừ khả năng động cơ của vụ tấn công là chủ nghĩa bài Do Thái.
Chính phủ Israel cho biết 4 nạn nhân là giáo viên 30 tuổi Jonathan Sandal và 2 người con trai Arieh, 5 tuổi và Gabriel, 4 tuổi, cùng bé gái 7 tuổi Miriam Monsonego.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ tấn công “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất” và gọi đây là “thảm kịch” của nước Pháp. Tại Washington, Nhà Trắng đã lên án vụ nổ súng “vô nhân đạo” và “vô cớ” ở Toulouse.
Theo hãng tin AFP, cảnh sát thành phố New York (Mỹ) đã thắt chặt an ninh tại các thánh đường và trụ sở của người Do Thái trên toàn thành phố này. Chính quyền nhiều nước khác, như Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển… cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công đẫm máu và tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh, đặc biệt tại các khu vực dành cho cộng đồng người Do Thái.
Bình luận (0)