Vụ xử tử bị trì hoãn vài giờ nhưng cuối cùng vẫn diễn ra sau khi Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn đề nghị giữ lại mạng sống của tù nhân đặc biệt này.
Tamayo, 46 tuổi, bị bắt ở TP Houston vào năm 1994 vì cáo buộc sát hại một cảnh sát. Vụ việc có lẽ không quá ầm ĩ nếu nhà chức trách thông báo cho nghi phạm quyền tìm kiếm hỗ trợ lãnh sự theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao ngay khi bị bắt.
Những người biểu tình phản đối vụ tử hình Edgar Tamayo ở TP Huntsville, bang Texas
Ảnh: REUTERS
Phía Mexico cáo buộc quá trình xét xử của chính quyền Texas và bản án đối với Tamayo “vi phạm các nghĩa vụ quốc tế”. Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng có động thái rất hiếm hoi là yêu cầu Texas hoãn vụ xử tử. Từng là công tố viên, ông Kerry nói không nghi ngờ gì nhưng lo lắng bản án sẽ gây tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ - Mexico.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ e ngại việc tử hình Tamayo sẽ khiến công dân Mỹ ở nước ngoài bị ảnh hưởng xấu. Người phát ngôn bộ này, bà Marie Harf, nhấn mạnh nếu Washington không tuân thủ Công ước Vienna thì rất khó mà yêu cầu các nước khác làm thế. Công ước này bảo đảm cho công dân các nước bị giam giữ ở nước ngoài nhận được sự hỗ trợ về pháp lý, cho ăn uống và chăm sóc y tế đầy đủ.
Đáp lại, chính quyền Texas biện hộ họ đã thực thi thủ tục pháp lý theo đúng hướng dẫn của Tòa án Tối cao Mỹ. Bà Lucy Nashed, người phát ngôn của Thống đốc Rick Perry, nói với đài BBC: “Quốc tịch của tội phạm không quan trọng. Bất kỳ ai gây tội ác ở Texas đều bị xét xử và trừng phạt theo luật pháp của bang”.
Tamayo là tù nhân thứ 509 bị xử tử ở Texas trong 3 thập kỷ qua, đồng thời là 1 trong số 21 công dân nước ngoài bị kết án tử ở bang này.
Bình luận (0)